Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội tái cấu trúc chăn nuôi

Bạch Thanh| 07/03/2018 07:10

(HNM) - Hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi ổn định, người chăn nuôi thu lợi nhuận khá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nông dân không mặn mà với việc tái đàn ồ ạt như các năm trước. Đây là cơ hội để ngành chăn nuôi tái cấu trúc hiệu quả, nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Chăm sóc đàn gà đẻ tại một trang trại ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Ảnh: Bá Hoạt


Giảm chăn nuôi nhỏ lẻ

Ông Đinh Văn Đoàn, xã Tiên Dương là chủ trang trại chăn nuôi lớn nhất nhì huyện Đông Anh cho hay, gia đình ông đang duy trì chăn nuôi 20.000 con gà đẻ trứng, 1.000 con lợn thịt và 200 con lợn nái ngoại, so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 30% tổng đàn.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Lê Quốc Tuấn, không riêng trang trại chăn nuôi của ông Đinh Văn Đoàn, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện Đông Anh sau một thời gian thải loại mạnh con giống kém chất lượng, nay giữ ổn định hoặc giảm tổng đàn vật nuôi. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng thức ăn công nghiệp gần như đã “bỏ chuồng”. Số còn lại duy trì chăn nuôi chủ yếu ở các hộ gia đình nấu rượu thủ công, làm bún, đậu phụ… nhằm tận dụng phụ phẩm, với mục đích lấy công làm lãi. Theo thống kê mới nhất của huyện Đông Anh, trên địa bàn huyện có hơn 5.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, duy trì ở mức từ 2 đến 10 con lợn thịt, từ 20 đến 50 con gà thả vườn.

Ông Trần Văn Thái, thôn Tư Sản, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên chia sẻ: Trước Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi vịt trúng đậm khi có thời điểm giá bán lên tới 50.000 đồng/kg vịt hơi. Tuy nhiên, thời gian tăng chỉ diễn ra từ 5 đến 7 ngày, mang tính chất may rủi, đa phần số hộ chăn nuôi vẫn chỉ bán được ở mức từ 37.000 đến 40.000 đồng/kg vịt hơi. Do đó, đối với nông hộ chăn nuôi, sau nhiều lần giá cả lên xuống thất thường, khó dự đoán, thay vì chăn thả ồ ạt, nuôi với mật độ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp đã chuyển sang chăn nuôi dài ngày theo phương pháp tự cung tự cấp, chi phí thấp và an toàn.

Ông Trần Lê Minh, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cho biết: Hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã là hơn 1.000 con trâu, bò, 3.300 con lợn, 170.000 con gia cầm... Các hình thức chăn nuôi cũng đa dạng như: Trang trại, gia trại, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ... Tình hình chăn nuôi diễn ra ổn định, ít hộ chăn nuôi ồ ạt tái đàn, phát triển nóng như những năm trước đây.

Trong khi chăn nuôi của nông hộ và trang trại quy mô vừa và nhỏ có xu hướng giữ ổn định đàn, thì những doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi lại có xu hướng tăng mạnh. Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội cho biết: Doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi công suất các trang trại nuôi gà lấy thịt hiện tại và đầu tư xây mới một trang trại nuôi gà lấy trứng trên địa bàn tỉnh Long An. Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát sẽ cho ra mắt thị trường lứa lợn thương phẩm đầu tiên…

Điều chỉnh sản xuất phù hợp

Lý giải không tăng đàn gà và lợn trong năm 2018, ông Đinh Văn Đoàn, chủ trang trại chăn nuôi lớn tại huyện Đông Anh cho hay: Thị trường chăn nuôi trong nước đã bão hòa. Nếu tăng đàn, khó có đầu ra ổn định và rất dễ “lỗ nặng”, nhất là khi doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi như: CP, DKT, Hòa Phát, Ba Huân… không tìm được đường xuất khẩu mà tất cả cùng hướng vào thị trường tiêu thụ nội địa.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, do chăn nuôi lợn gặp khó, nhiều trang trại, nông hộ có hướng chuyển sang chăn nuôi thủy cầm vì giá cả ổn định hơn. Việc không kiểm soát được quy mô chăn nuôi thủy cầm, cũng khiến nhiều người lo lắng sản phẩm gia cầm, thủy cầm có thể bị dư thừa, do đó trong thời gian tới công tác thống kê, đánh giá, khuyến cáo về tổng đàn của các địa phương cần được quan tâm hơn nữa.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay: Nguy cơ doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài thống lĩnh thị trường đang là một thực tế. Nông dân không thể phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ như thời gian qua mà cần tái cấu trúc cho phù hợp với thực tiễn. Sắp tới, các trang trại phải liên kết theo vùng, tổ chức thành một “ông chủ” để chủ động nguồn sản phẩm đầu vào, chế biến cho sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, khâu thống kê tổng đàn của cán bộ thú y cơ sở phải nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Đó là kênh dữ liệu quan trọng để ngành Nông nghiệp đưa ra dự báo thị trường, giúp nông dân điều chỉnh sản xuất phù hợp. Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm: Hà Nội không khuyến khích chăn nuôi thương phẩm nhỏ lẻ, mà thay vào đó, sẽ phát triển để trở thành trung tâm cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao của cả nước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường gợi mở: Trước tình hình chăn nuôi nhiều biến động và có phân khúc lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ cần có sự chuyển dịch theo hướng chăn nuôi hữu cơ, an toàn, giống bản địa. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, cần tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện đầu tư công nghệ cao, đáp ứng được thị trường xuất khẩu và phân khúc thị trường sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà từ trước đến nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, tham tán thương mại của Việt Nam ở các nước để tìm đường xuất khẩu nông sản bền vững, trong đó có sản phẩm chăn nuôi chủ lực như trứng, thịt lợn, thịt gà, nhằm thúc đẩy chăn nuôi trong nước phát triển ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội tái cấu trúc chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.