Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thoát khỏi ám ảnh nợ xấu

Đức Anh| 20/09/2016 06:43

(HNM) - Nếu vào thời điểm này những năm trước, thị trường tiền tệ thường có dấu hiệu

Cần xây dựng thị trường mua bán nợ xấu minh bạch, rõ ràng và mang tính thị trường để giải quyết nợ xấu. Ảnh: Khánh Huy


Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) về tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng qua, dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng khá mạnh, cung ứng vốn cho nền kinh tế ở mức ổn định. Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8 tiếp tục dồi dào, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước và duy trì ở mức thấp, trong khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 24% so với tháng trước.

Tính đến cuối tháng 8, nguồn vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại, tăng khoảng 9,2%. Tốc độ tăng này cho thấy hoạt động ngân hàng thời gian qua diễn biến thuận lợi và an toàn, bởi tốc độ tăng nguồn vốn huy động cao hơn tốc độ tăng của tín dụng.

Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7.489 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp khoảng 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm. Về tỷ giá, thị trường ngoại hối đang ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào với cán cân thương mại thặng dư, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá mạnh, trong khi cầu ngoại tệ chưa có nhiều đột biến, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn có xu hướng giảm so với năm trước. Do đó, áp lực đối với thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm không lớn.

Đó là những thuận lợi của

thị trường tiền tệ thời gian qua, nhưng theo phân tích từ UBGSTC, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm. Cụ thể, nợ xấu toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm 2015. Số nợ xấu được xử lý là 59,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đạt 8,88 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, nợ xấu tăng tại một loạt ngân hàng lớn. Chẳng hạn, tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,6% cuối 2015 lên 2%, Eximbank tăng từ 1,86% lên 5,3%. Nợ xấu tăng do các ngân hàng không còn bị áp lực bán nợ xấu cho VAMC, nên nợ xấu tồn đọng nhiều hơn. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh cũng khiến nợ xấu có nguy cơ "phình" ra, bởi những món nợ từ đầu năm nếu cuối năm chưa trả cũng có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Vậy, làm thế nào để xử lý nợ xấu, khơi thông dòng chảy cho nền kinh tế? Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, từ trước tới nay Việt Nam chưa thực sự có thị trường mua bán nợ xấu, hiện chỉ có VAMC mua, rồi phát hành trái phiếu đặc biệt cho ngân hàng. Bởi vậy, VAMC được ví như "bãi đỗ" của nợ xấu. Để có thể giải quyết nợ xấu, cần xây dựng thị trường mua bán nợ xấu minh bạch, rõ ràng và mang tính thị trường, nghĩa là nợ xấu được mua bằng tiền, ngân hàng bán nợ xấu sẽ nhận được tiền mặt. Có thể dùng ngân sách để mua nợ xấu, nhưng phải dựa trên cơ sở giá thị trường tức là giá trị thật của khoản nợ, thậm chí phải chấp nhận có những khoản nợ chỉ còn 10% giá trị thật.

Mặc dù phương án này có thể gây thiệt hại cho ngân hàng, nhưng nếu món nợ quá xấu mà vẫn giữ trên sổ sách với giá trị ảo, ngân hàng sẽ chỉ tự giết mình. Đã đến lúc nợ xấu cần được mua với giá trị thực và ngân hàng phải chấp nhận chịu lỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa thoát khỏi ám ảnh nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.