Tài chính

Quy định về xử lý nợ xấu: Sửa đổi để phù hợp thực tiễn

Hà Linh 24/06/2023 07:52

Sau một thời gian dài phát huy hiệu quả, những quy định xử lý nợ xấu hiện đã “lỗi thời”, không còn phù hợp thực tế. Các cơ quan quản lý, ngân hàng thương mại, chuyên gia đều cho rằng cần phải sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

giao-dich-tai-ngan-hang-thu.jpg
Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm.

Những nguy cơ ảnh hưởng từ nợ xấu

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, những tháng đầu năm 2023, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã lên 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gấp gần hai lần so cuối năm 2021. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhận định, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại đang suy giảm, khiến vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi kết quả kinh doanh của một số ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu đã vượt 2%, cá biệt một số ngân hàng nợ xấu tăng lên đến 4%.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác. Người cho vay không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Trường hợp người vay cố tình không trả nợ, xử lý ra sao cũng không có quy định rõ ràng.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu giảm từ 2,5% và 10,1% năm 2016 xuống còn 1,6% và 4,4% năm 2019, song, những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế phải đối mặt với lạm phát và lãi suất cao, sức cầu suy giảm mạnh đã khiến nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại… Theo thông tin từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho công ty chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ước chiếm 5% tổng dư nợ.

Trước những nguy cơ về nợ xấu có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng, cũng như nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải sửa đổi các quy định về xử lý nợ xấu cho phù hợp bối cảnh hiện nay.

Thực tế, về vấn đề xử lý nợ xấu, ngày 15-8-2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo khung khổ pháp lý cần thiết cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và VAMC. Để không gây ra khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, dự thảo đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) được bố cục gồm 13 chương, 195 điều, sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng như sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng...

Đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để bảo đảm có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt. Ngoài ra, dự thảo luật cũng luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án…

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á cho rằng, cần mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu mà áp dụng cho cả các khoản nợ nhóm 2 nhưng thuộc trường hợp phải thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng. Quan trọng hơn, cần cụ thể hóa các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện để tổ chức tín dụng chủ động phương thức xử lý.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần xác định rõ quan điểm về xử lý nợ xấu. “Nếu xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành Ngân hàng thì xử lý rất khó. Còn khi nợ xấu là vấn đề xã hội thì phải có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nói.

Chuyên gia Darryl Dong (Tập đoàn Tài chính quốc tế - IFC) nhìn nhận, dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng cần tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tham gia giải quyết vấn đề nợ xấu, cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán nợ xấu trực tiếp từ các ngân hàng.

Để có thể giải quyết vấn đề nợ xấu ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia đều có chung nhận định, cần phải có giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế, không chỉ từ 3 lĩnh vực gần gũi và có ảnh hưởng lớn tới ngành Ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, mà còn là sự ổn định của xuất nhập khẩu, cũng như sự phát triển của các ngành kinh tế. Thời điểm này, việc giảm lãi suất cũng chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Vấn đề là phải làm sao phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, khi các thị trường hồi phục dần, rủi ro nền kinh tế giảm thì lãi suất duy trì mức thấp, rủi ro với ngân hàng sẽ giảm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định về xử lý nợ xấu: Sửa đổi để phù hợp thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.