Góc nhìn

Giảm lãi suất, kiểm soát nợ xấu

Gia Khánh 27/07/2023 - 06:30

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự điều hành quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm 1,5-2%.

Đặc biệt, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất rất mạnh, lãi suất huy động cao nhất còn 6,3% đối với kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, kích cầu tiêu dùng… với lãi suất ưu đãi, thấp hơn mặt bằng chung.

Chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là rút ngắn độ trễ chính sách giảm lãi suất, giảm mặt bằng lãi suất cho vay diễn ra nhanh hơn để kịp thời hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt khác quan trọng hơn là việc hấp thụ vốn của nền kinh tế và mức độ kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, từ đó góp phần quan trọng ổn định vĩ mô. Thực tế, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 khá thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước do cộng đồng doanh nghiệp và hầu hết lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, xuất khẩu sụt giảm. Dù vẫn cơ bản trong tầm kiểm soát, song tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 3%, nợ xấu gộp khoảng 5%, tăng so với cùng thời điểm của năm 2022.

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, dự báo xu hướng nợ xấu tất yếu sẽ còn gia tăng. Vì vậy, chính sách tiền tệ, việc điều hành lãi suất vẫn phải chủ động và linh hoạt. Chủ động ở chỗ phải bám sát với diễn biến của nền kinh tế để phản ứng chính sách kịp thời. Linh hoạt ở chỗ liều lượng cung tiền tăng, giảm, nới lỏng hay siết chặt phải bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Để làm được điều đó, trước hết các tổ chức tín dụng phải tiết giảm chi phí, tạo dư địa giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi; bảo đảm tiêu chuẩn cho vay, chất lượng tín dụng. Cùng với đó, tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm trường hợp nợ xấu gia tăng sẽ có đủ nguồn lực xử lý.

Trong bối cảnh hiện nay, việc khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế là rất quan trọng. Ngoài việc giảm lãi suất cần tìm đầu ra cho doanh nghiệp, bởi hàng hóa luân chuyển mới thúc đẩy sản xuất, doanh nghiệp quay vòng vốn mới có nhu cầu vay vốn mới đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và thanh toán đúng hạn các khoản vay ngân hàng. Bên cạnh vốn tín dụng, cần khơi thông các nguồn lực khác như trái phiếu, thị trường chứng khoán; giải quyết vướng mắc cho thị trường bất động sản, xuất khẩu…

Đặc biệt, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công mang tính lan tỏa, thu hút các nguồn lực xã hội, thúc đẩy một số ngành sản xuất liên quan, giải tỏa nợ đọng giữa các doanh nghiệp. Chỉ khi giải quyết được vướng mắc, khơi thông kênh tín dụng, ngân hàng mới cho vay và giải ngân hiệu quả, nền kinh tế bảo đảm khả năng hấp thụ vốn, quản lý rủi ro tốt hơn.

Bên cạnh chính sách tiền tệ, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Về lâu dài, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng. Đây là điều kiện quan trọng giúp các tổ chức tín dụng kiểm soát nợ xấu, không để nợ xấu đe dọa an toàn của ngân hàng, từ đó phát huy hiệu quả vốn tín dụng cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm lãi suất, kiểm soát nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.