Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó khi số ca bệnh gia tăng sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Thu Trang| 25/04/2023 17:10

(HNMO) - Chiều 25-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị, các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành cần rà soát lại các điều kiện phòng, chống dịch bệnh, các lực lượng ứng trực để chủ động ứng phó khi số ca bệnh tăng sau kỳ nghỉ lễ.

Dịch Covid-19 tại Hà Nội ở cấp độ 1

Kết quả giám sát các biến thể của SARS-CoV-2 của đơn vị thử nghiệm lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tại khu vực phía Bắc lưu hành nhiều loại biến chủng phụ của Omicron như BA.2, BA.4, BA.5, BN, BL, BE. BF, XBB.1.5, XBB.1.16, XBB.1.9, XBB.1.11, XBB.2.3. Đặc biệt, biến thể XBB.1.5 XBB.1.9, XBB.1.16 được ghi nhận từ tháng 3-2023 và đang có xu hướng gia tăng theo xu hướng chung của toàn cầu.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng dần. Trong 7 ngày gần đây (từ ngày 18 đến 24-4), toàn thành phố ghi nhận 1.857 trường hợp mắc Covid-19 (tăng 1.137 so với 7 ngày trước đó). Từ ngày 18-4 đến 24-4, trung bình mỗi ngày ghi nhận 265 ca/ngày. Riêng ngày 24-4 ghi nhận số mắc cao nhất với 411 trường hợp.

Toàn cảnh buổi giao ban.

Hiện, số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 463 người, trong đó có 44 bệnh nhân phải thở ô xy, 381 bệnh nhân có triệu chứng trung bình, 377 bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, có 1.705 người được cách ly, điều trị tại nhà.  

Kết quả giải trình tự gen 22 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội từ ngày 4-4 đến 12-4 (gồm 14 mẫu bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 8 mẫu cộng đồng) ghi nhận 100% mẫu thuộc chủng Omicron; trong đó 10 mẫu XBB.1.5 (chiếm 45,5%), 5 mẫu XBB.1.11.1 (chiếm 22,7%), 5 mẫu XBB.1.9.1 (chiếm 22,7%), 1 mẫu XBL (chiếm 4,55%), 1 mẫu XBB.2.3 (chiếm 4,55%).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận xét, các biến chủng qua giải trình tự gen tại Hà Nội cũng tương đồng như thế giới. Hiện đã ghi nhận biến chủng XBB1.5 và XBB 1.9.1. Đây là những biến thể đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát do tăng khả năng lây truyền và né tránh hệ miễn dịch. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực. Các triệu chứng bệnh đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ.

Đánh giá về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố hiện nay, ông Vũ Cao Cương cho rằng, dựa vào số ca mắc mới và tình hình điều trị, hiện Hà Nội đang ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp). Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh trên thế giới, dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, do đó cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch để xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát.

Tại buổi giao ban, đại diện các quận, huyện cho biết, hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát. Các quận, huyện tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 các mũi bổ sung cho người dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lo ngại về số ca mắc mới Covid-19 sẽ gia tăng trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.

Đề cập đến các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, đại diện Sở Du lịch Hà Nội, Sở Giao thông vận tải cho biết, dự báo số lượng khách du lịch sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ dài ngày sắp tới. Cùng với việc triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến toàn bộ các đơn vị trong ngành, các sở, ngành cũng đã thành lập các đoàn công tác để tăng cường kiểm tra các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị khai thác bến xe…. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Du lịch thành phố cũng khuyến cáo các đơn vị lữ hành nếu phát hiện du khách nghi mắc bệnh cần phối hợp y tế địa phương có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.

Hà Nội vào cuộc từ rất sớm, rất nhanh

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khi tình hình dịch bệnh chớm gia tăng, Hà Nội đã vào cuộc từ rất sớm, rất nhanh. GS.TS Phan Trọng Lân lưu ý, vi rút SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và khó dự báo, khó đoán định. Trong khi đó Hà Nội là địa bàn giao lưu lớn, cũng là nơi tập trung các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương nên lượng người từ các tỉnh, thành phố về rất lớn. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 5 ngày, người lao động, học sinh, sinh viên sinh sống và học tập tại Hà Nội sẽ trở về quê. Do đó, sau kỳ nghỉ lễ, khi họ trở lại thành phố, công tác phòng, chống dịch cần phải được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn.

Qua kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại một số quận, huyện và cơ sở y tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà hoan nghênh các địa phương, các sở, ngành đã chủ động, triển khai tích cực và đồng bộ các nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã cần rà soát lại toàn bộ công việc, chủ động ban hành các văn bản về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban

Đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị các sở: Du lịch, Giao thông Vận tải, CôngThương, Giáo dục và đào tạo cần rà soát lại các văn bản đã ban hành, đồng thời tiếp tục ban hành các văn bản tăng cường các giải pháp trọng tâm và chịu trách nhiệm triển khai theo phạm vi quản lý của mình. Riêng kỳ nghỉ lễ sắp tới, các sở, ngành cần thống nhất và sẵn sàng về lực lượng ứng trực, đầu mối, số điện thoại và gửi về Sở Y tế thành phố. Khi có các tình huống phát sinh, các lực lượng sẽ phối hợp nhanh chóng và kịp thời.

Đồng chí Vũ Thu Hà phân tích, theo thông lệ hằng năm, sau mỗi kỳ nghỉ lễ thường có các vấn đề phát sinh không riêng Covid-19 mà các dịch bệnh khác. Do đó, các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành cần rà soát lại các lực lượng ứng trực, các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm chủ động khi có số ca bệnh tăng sau kỳ nghỉ lễ.

“Với việc chủ động và triển khai tốt các giải pháp sẽ tránh các tình huống phát sinh và nguy cơ bùng phát dịch, từ đó, người dân sẽ có kỳ nghỉ lễ an lành”, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 24-4 ghi nhận 224 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 211 ca so với cùng kỳ năm 2022); 1.300 ca mắc thủy đậu (tăng 1.271 ca); 438 ca mắc tay chân miệng (tăng 375 ca).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó khi số ca bệnh gia tăng sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.