(HNM) - Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những con số khả quan. Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2021 của ngành Nông nghiệp là khả thi.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang tích cực tiếp tục triển khai các chính sách khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, chỉ có 30-40% doanh nghiệp thủy sản (vốn đóng góp tới 20-25% giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp) đủ năng lực khôi phục sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội và để phục hồi được 50% công suất phải mất 3-6 tháng. Chưa kể “hàng rào kỹ thuật” về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm tại nhiều thị trường tiếp tục được nâng cao. Mặt khác, tình trạng thiếu container rỗng; những hạn chế về hệ thống kho bãi; xu thế tăng giá cước vận tải… không chỉ tác động đến xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Đông Bắc Á, châu Âu… hay việc nhập khẩu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, mà còn đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để tận dụng hiệu quả cơ hội khi nhu cầu nông, lâm, thủy sản tại nhiều thị trường tăng cao vào dịp cuối năm, bảo đảm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2021, ngành Nông nghiệp cần phối hợp các bộ, ngành liên quan, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm cao nhất.
Trước hết, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp với các địa phương trong việc triển khai các biện pháp cụ thể, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phục hồi sản xuất, hoạt động tối đa công suất. Cùng với đó là tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại sản xuất, bảo đảm nguồn cung chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch, vượt qua những “rào cản kỹ thuật” của các thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, cần xử lý hiệu quả tình trạng thiếu container rỗng, tăng cường các giải pháp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy dịch vụ hậu cần vận tải để giảm giá cước vận tải; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong vấn đề kho bãi, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; tăng cường hậu cần thương mại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nông, lâm, thủy sản nhanh nhất.
Song song đó, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với ngành Công Thương tiếp tục nắm bắt cơ hội xuất khẩu do các hiệp định thương mại tự do mang lại; đổi mới công tác thông tin thị trường, nâng cao năng lực dự báo; đa dạng hóa hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường đàm phán với cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để tháo gỡ vướng mắc cho từng mặt hàng, nhóm hàng…
Về phía các địa phương, cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19, tiêm vắc xin cho người lao động.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã; các hiệp hội, ngành hàng nông nghiệp cần đổi mới tư duy, chủ động cập nhật thông tin, tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chủ động triển khai các giải pháp, nắm bắt cơ hội sẽ giúp ngành Nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.