(HNM) - Thắng lợi vụ xuân có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong năm 2021, do vậy, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phương án chống hạn, chuẩn bị vật tư… từ nhiều tháng trước; đồng thời khuyến cáo người dân tập trung chủ động làm đất, lấy nước đổ ải, gieo mạ và cấy đúng khung thời vụ. Vụ xuân 2021, Hà Nội dự kiến gieo cấy khoảng 84.489ha lúa, hiện nông dân đã gieo cấy xong 24.385ha và 70.872ha canh tác đã có nước...
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là các yếu tố quan trọng để có một mùa vụ thắng lợi. Xác định được điều đó, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp như lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến; xây dựng các phương án lấy nước, giữ nước trên mặt ruộng…, trong đợt 3 xả nước này (từ 0h ngày 22-2 đến 24h ngày 27-2). Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), từ nay đến năm 2025, mực nước sông Hồng trong tháng 2 tại Hà Nội sẽ giảm còn khoảng 1,1m… Do vậy, việc bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ xuân tiếp tục là vấn đề “thời sự” với nông nghiệp Hà Nội trong những năm tới.
Mặt khác là những vấn đề liên quan đến đô thị hóa nông thôn dẫn tới tình trạng diện tích sản xuất vụ xuân bị thu hẹp. Thêm nữa, nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp chưa lớn nên có nơi nông dân không “mặn mà” với việc gieo trồng. Nhiều nơi, nông dân chuyển hướng sang các loại hình dịch vụ nông nghiệp, sản xuất làng nghề và làm công nhân tại các khu công nghiệp… Do vậy, nguy cơ thiếu lao động nông nghiệp trong khung thời vụ chính cũng là vấn đề với nhiều địa phương. Xu hướng này sẽ diễn ra mạnh hơn trong những năm tới.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, để vụ xuân 2021 và những năm tiếp theo là những mùa bội thu, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, các cơ quan chức năng và các địa phương cần chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Về nguồn nước - đã, đang và tiếp tục là bài toán của sản xuất vụ xuân, trước hết để phục vụ cho vụ xuân 2021, các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn cần huy động toàn bộ máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện đúng kịch bản lấy nước đợt 3. Nông dân các địa phương tập trung đưa nước đến đâu, giữ nước đến đó… để bắt tay vào làm đất và gieo cấy đúng khung thời vụ.
Đối với việc thiếu lao động trong khung thời vụ, các địa phương cần có cơ chế đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ví dụ hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích mạ khay cấy máy, từ đó đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cũng như giảm ngày công lao động. Thực tế nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã giải quyết tốt vấn đề này.
Trong bối cảnh hiện nay, để vụ xuân luôn là những “mùa vàng”, cần giải quyết các vấn đề đặt ra một cách bài bản. Trước hết là xây dựng kế hoạch, triển khai giải pháp ứng phó với các vấn đề trong tiến trình phát triển cũng như những bất lợi về điều kiện thời tiết như: Tăng diện tích lúa chất lượng cao, lúa giống Japonica; thúc đẩy các mô hình sản xuất công nghệ cao, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm; tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, triển khai các biện pháp ứng phó sớm với tình trạng thiếu nước, bảo đảm nguồn nước cho cây trồng… Đặc biệt, với diện tích trồng lúa không chủ động hoặc khó khăn về nguồn nước, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần nghiên cứu các giải pháp để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chủ động các giải pháp sẽ đem đến những “mùa vàng” bội thu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.