Những ngày qua, tranh thủ thời tiết ấm áp, nguồn nước thuận lợi, nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực xuống đồng gieo cấy lúa vụ xuân 2024.
Đến thời điểm này, một số địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo cấy và ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương có diện tích cấy muộn để đôn đốc, đồng thời, hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa ở những diện tích cấy sớm, hướng tới vụ xuân thắng lợi.
Rộn ràng trên các cánh đồng
Trên các cánh đồng của huyện Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... những ngày này, không khí sản xuất luôn nhộn nhịp; mỗi người một việc để gia cố bờ vùng, bờ thửa, làm đất, dẫn nước, tập trung cấy lúa xuân.
Bà Đặng Thị Sắn ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, vụ xuân năm nay, gia đình bà dự kiến gieo cấy hơn 8 sào lúa, chủ yếu là giống Khang dân, Q5 và một số giống lúa mới, chất lượng cao. Nguồn nước tương đối thuận lợi, gia đình cố gắng hoàn thành cấy lúa vụ xuân trong tháng 2-2024. “Vụ xuân 2024, huyện Phú Xuyên phấn đấu gieo trồng 7.437,9ha, trong đó diện tích cấy lúa là 6.605ha. Đến nay, các xã, thị trấn đã gieo cấy được 75% diện tích lúa xuân, phấn đấu hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa xuân trong khung thời vụ”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân thông tin.
Còn tại huyện Thạch Thất, vụ xuân 2024, huyện Thạch Thất gieo cấy 3.872ha, đến ngày 21-2 đã gieo cấy được hơn 2.269ha, đạt gần 60% diện tích. Nhiều xã đã hoàn thành cấy lúa xuân, như: Bình Yên, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Đại Đồng...
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, vụ xuân năm nay, ngành Nông nghiệp đã tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng những giống lúa thuần chất lượng, nhằm gia tăng giá trị kinh tế, như: Khang dân, Thiên ưu 8, BC15 (chiếm khoảng 30%); các giống lúa chất lượng cao: BT7, HT1, J02, Đài Thơm 8, TBR225... (chiếm 67%); các giống lúa lai và giống khác chiếm khoảng 3-4%. “Hiện tiến độ gieo cấy bảo đảm theo đúng kế hoạch”, bà Lưu Thị Hằng cho biết thêm.
Không để hoang phí đất nông nghiệp
Mặc dù, sản xuất vụ xuân đang diễn ra rất thuận lợi, song theo dự báo, thời gian tới còn gặp không ít khó khăn. Từ tháng 12-2023 đến tháng 4-2024, lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Bắc tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm; giá vật tư đầu vào vẫn có xu hướng tăng, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của các hộ dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, theo kế hoạch, vụ xuân 2024, toàn huyện gieo cấy 2.220ha. Thế nhưng, tính đến ngày 22-2, toàn huyện mới gieo sạ được 23,1ha, cấy tay được 9ha; làm đất đợt 1 được 1.060ha, làm đất đợt 2 được 350ha. Để bảo đảm tiến độ gieo cấy, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất vụ xuân đúng thời vụ, cơ cấu giống, cố gắng hoàn thành trong tháng 2-2024.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, để khắc phục những khó khăn trong sản xuất vụ xuân, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân tích cực xuống đồng sản xuất trong đúng khung thời vụ; tuyệt đối không để hoang đất nông nghiệp, gây lãng phí tư liệu sản xuất.
Trước nguy cơ có những diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước gieo cấy lúa xuân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đề nghị, các địa phương tuyên truyền nông dân tích cực xuống đồng, lấy nước đến đâu, làm đất, gieo cấy đến đó, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước, phấn đấu gieo cấy hết diện tích lúa xuân theo kế hoạch, trong khung thời vụ tốt nhất. Cùng với đó, rà soát các diện tích khó khăn về nguồn nước, không thể thực hiện cấy lúa để có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thực tế và quy định, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
“Các địa phương cần ưu tiên áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, giúp cây lúa phục hồi nhanh, phát huy tối đa khả năng sinh trưởng. Đối với những diện tích mới cấy, cần duy trì mực nước 2-3cm trên mặt ruộng, tỉa rặm để bảo đảm mật độ; bón thúc kịp thời, bón cân đối và trọng tâm là giảm đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng; rút nước sau bón thúc đẻ nhánh 5-7 ngày để đạt số dảnh hữu hiệu cao, tạo tiền đề cho năng suất cao. Mặt khác, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ, bệnh đạo ôn, chuột hại trên lúa mới cấy để có biện pháp phòng trừ kịp thời”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương lưu ý.
-----------
Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn Đinh Hữu Dương:
Thời tiết ấm hơn trong vụ xuân
Theo dự báo, hiện tượng El Nino còn duy trì từ nay cho đến tháng 5 năm nay, với xác suất là hơn 90%. Do tác động của hiện tượng El Nino, nên từ tháng 3 đến tháng 5, Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Còn trên đất liền trong tháng 3 và tháng 4, Hà Nội có khả năng ảnh hưởng 4-6 đợt không khí lạnh nhưng cường độ yếu hơn trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 5 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 đến 2 độ C.
Dự báo từ tháng 3 đến tháng 5, tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố phổ biến ở mức xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong tháng 3 và 4, Hà Nội xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù so với cùng thời kỳ trung bình nhiều năm. Về thủy văn trong 3 tháng tới, tổng lượng dòng chảy trên hệ thống sông thuộc khu vực Hà Nội chủ yếu thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 50%.
Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Lê Hồng Quang:
Bảo đảm đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng lúa xuân
Từ nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn và thực tế công trình lấy nước, nguồn nước, công ty đã xây dựng các phương án bảo đảm đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng lúa xuân. Tính đến 7h ngày 23-2, công ty đã cấp đủ nước cho từ 85 đến 97% diện tích gieo cấy lúa xuân của các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây... Đối với diện tích còn lại, công ty đã phối hợp với các địa phương vận động nông dân xuống đồng đưa nước đã tích trữ trong hệ thống thủy lợi lên ruộng, làm đất, gieo cấy trong khung thời vụ. Bên cạnh đó, công ty cũng đã chỉ đạo các xí nghiệp theo dõi chặt chẽ nguồn nước sông Hồng, sông Đà, kịp thời vận hành công trình lấy nước khi đủ điều kiện, nhất là các trạm bơm dã chiến: Sơn Đà, Trung Hà, Minh Khánh (huyện Ba Vì); Phù Sa (thị xã Sơn Tây); Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) để tích trữ trong hệ thống, phục vụ tưới dưỡng lúa xuân...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn:
Bám sát đồng ruộng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh
Thời điểm này, huyện Mỹ Đức đã hoàn thành kế hoạch lấy nước, gieo cấy được 98% diện tích. Dự kiến đến ngày 25-2, huyện Mỹ Đức sẽ hoàn thành kế hoạch gieo cấy và chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa xuân. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết những ngày tới có nhiệt độ và ẩm độ không khí phù hợp cho lúa, hoa màu sinh trưởng phát triển tốt. Vì vậy, để vụ xuân 2024 thắng lợi, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn và đơn vị liên quan tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân các biện pháp giữ nước trên ruộng, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa, rau màu. Các địa phương tăng cường vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các đối tượng gây hại thời điểm này, nhất là chuột, ốc bươu vàng, đạo ôn trên lá...
Kim Nhuệ ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.