Hiện các loại cây trồng vụ xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Để bảo vệ cây trồng, ngành Nông nghiệp Thủ đô khuyến cáo người dân cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, hướng tới một vụ xuân thắng lợi.
Tập trung chăm sóc cây trồng
Những ngày này, nông dân ở các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tích cực xuống đồng chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ đông xuân 2024, với hy vọng một vụ xuân đạt năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Lê Thị Thảo ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) cho biết: “Vụ xuân này gia đình tôi gieo cấy 5 sào. Sau khi gieo trồng xong, gia đình tôi thường xuyên kiểm tra, theo dõi ruộng để kịp thời phát hiện sâu bệnh. Trên một số diện tích lúa xuất hiện ốc bươu vàng phá hoại, gia đình tôi đã kịp thời phun thuốc diệt trừ".
Còn theo ông Trần Văn Thái ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), vụ xuân năm nay, gia đình ông cấy hơn 1 mẫu lúa và toàn bộ diện tích được cấy bằng máy. Lúa cấy được 1 tuần thì bón thêm đạm để bảo đảm sinh trưởng tốt. Gia đình ông cùng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chú trọng điều tiết nước hợp lý. Một phần diện tích bị bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, nhờ được xử lý kịp thời nên cây lúa vẫn phát triển tốt.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh thông tin, hợp tác xã đã gieo trồng được hơn 250ha rau an toàn vụ xuân, với các loại rau chủ yếu: Bí xanh, rau ăn lá, su hào… Đây là thời kỳ quan trọng để cây trồng phát triển, song một số loại sâu bệnh hại chính, như: Bệnh phấn trắng, sâu đục quả… đã xuất hiện. Hằng ngày, nông dân trên địa bàn xã đều ra đồng tưới nước, chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ xuân năm nay, toàn thành phố Hà Nội cấy được 80.060ha lúa. Hiện tại, lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh và có khoảng 11.456ha cấy trước ngày 4-2, lúa đang đẻ nhánh. Ngoài ra, nông dân đã gieo trồng được hơn 16.000ha cây rau màu. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào gieo trồng, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng...
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, mặc dù đầu năm 2024 chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nhưng các địa phương đã khắc phục khó khăn, hoàn thành gieo cấy đúng khung thời vụ. Hiện tại, nông dân các địa phương đang tích cực chăm sóc cây trồng vụ xuân, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Phòng trừ kịp thời sâu bệnh
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thời tiết trong những ngày tới vẫn diễn biến phức tạp, có mưa nhỏ, mưa phùn… Dự báo từ giữa tháng 3 đến tháng 5 trên lúa sẽ xuất hiện rầy các loại, sâu cuốn lá; bệnh thối gốc, bệnh đạo ôn, chuột, ốc bươu vàng, sâu đục thân… Do đó, để cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh tập trung, hạn chế thiệt hại về kinh tế, nông dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, sớm phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết sâu bệnh hại trên cây trồng, từ đó có biện pháp phòng trừ hiệu quả, bảo đảm vụ xuân thắng lợi.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất Nguyễn Bùi Hải, trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, điều tiết nước hợp lý. Đối với diện tích lúa sinh trưởng tốt, có rễ trắng, lá lúa có màu xanh tươi, bắt đầu có lá mới và đẻ nhánh, người dân cần thường xuyên giữ nước từ 2cm đến 3cm; bón thúc kết hợp làm cỏ, sục bùn, phá váng làm cho mặt ruộng tơi xốp, thông thoáng, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển nhanh. Ðối với diện tích lúa sinh trưởng kém, người dân nên bổ sung lân, kết hợp sử dụng các loại phân vi sinh, sau đó mới bón cân đối NPK… Bên cạnh đó, trung tâm tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp diệt chuột gây hại ngay từ đầu vụ và suốt trong quá trình sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt là vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2024.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác dự báo, phát hiện sớm và cập nhật diễn biến sâu bệnh gây hại hằng tuần và khuyến cáo những biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, không để lây lan thành dịch. Đặc biệt, nông dân cần chú ý bệnh đạo ôn hại lá trên các giống mẫn cảm, như: J02, BC 15, TBR225, lúa nếp…
“Để cây lúa khỏe, nông dân cần tập trung bón thúc cho diện tích lúa xuân khi lúa bén rễ hồi xanh, ra lá mới bằng các loại phân NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm và kali cao; tập trung xử lý cỏ dại, diệt chuột, ốc bươu vàng, điều tiết nước hợp lý và tỉa dặm, bảo đảm mật độ phù hợp. Ngoài ra, nông dân cần chăm sóc cây rau màu và cây trồng khác, bón thúc, vun xới, bảo đảm tưới tiêu phù hợp, giúp cây trồng sinh trưởng thuận lợi, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.