(HNM) - Dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình hình vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi ven sông trên địa bàn thành phố vẫn rất phức tạp.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, Hà Nội đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông (bãi chứa). Đoàn đã yêu cầu 15 quận, huyện, thị xã, chỉ đạo 25 xã, phường, thị trấn hủy các hợp đồng thuê thầu, biên bản giao đất ven sông làm bãi chứa vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai; đề nghị 121 tổ chức, cá nhân đình chỉ hoạt động các bãi chứa trái phép, thu hồi 23 giấy phép bến thủy nội địa cấp sai quy định, không gia hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa 32 đơn vị hoạt động bãi chứa sau khi hết hạn giấy phép…
Nhiều bãi chứa cát trên địa bàn thành phố vi phạm về đất đai, chất tải nhưng chưa được xử lý triệt để. |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn vẫn còn nhiều vụ vi phạm, tình hình khai thác cát lòng sông trái phép đang tiếp diễn, hầu hết các bãi chứa vi phạm vẫn hoạt động… Báo cáo tại hội nghị kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ xử lý khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép trên địa bàn thành phố, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vũ Hồng Khanh chủ trì vừa diễn ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Dù Đoàn kiểm tra đã chỉ rõ hành vi nhưng vì địa phương chưa quyết liệt xử lý nên hiện nay nhiều bãi vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động, như huyện Gia Lâm còn 24 bãi chứa, Ba Vì 17 bãi, Long Biên 15 bãi, Đông Anh 7 bãi, Sơn Tây 4 bãi, Phú Xuyên 3 bãi…
Theo "giải thích" của các quận, huyện, thị xã, cái khó lớn nhất trong xử lý khai thác cát trái phép là thiếu lực lượng, phương tiện và xác định ranh giới trên sông, hạn chế về thẩm quyền xử lý ngoài địa bàn… Nhiều bãi chứa vi phạm là do một số quy định của Nhà nước chưa phù hợp thực tế về chất tải, làm công trình trong bãi chứa; chế tài xử phạt thấp, không đủ sức răn đe. Việc chủ bãi chứa chưa chấp hành di dời cát ra khỏi khu vực vi phạm là do khối lượng lớn, đang tìm địa điểm tập kết khác...
Mặc dù vẫn còn thời hạn thành phố cho phép (30-11) nhưng thực tế tiến độ xử lý như hiện nay là chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính để nhanh chóng giải tỏa cát vi phạm ra khỏi bãi chứa, đồng thời quyết liệt yêu cầu các địa phương phải xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân để xảy ra vi phạm kéo dài... Thành phố giao Công an Hà Nội phối hợp với công an các tỉnh giáp ranh tăng cường kiểm tra, vây bắt, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm khai thác cát lòng sông; giao Sở GT-VT phối hợp Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa hoạt động trái phép; phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam giám sát hoạt động nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố...
Ngoài các biện pháp trên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh các quy định về khai thác tài nguyên, sử dụng bến bãi phù hợp thực tế và pháp luật hiện hành. Các địa phương nên chọn những điểm khó, bức xúc để mạnh tay xử lý trước, qua đó làm gương cho các điểm còn lại… Các sở GT-VT, Xây dựng chuẩn bị phương án giúp các quận, huyện, thị xã khi có yêu cầu về địa điểm tập kết phương tiện, vật liệu vi phạm. Hết thời hạn cho phép, thành phố sẽ kỷ luật những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, công an các địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm về khai thác cát lòng sông và sử dụng bãi chứa ven sông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.