(HNM) - Chưa đầy 9 tháng đầu năm 2017, nhiều danh hiệu đã đến với kỳ thủ Hà Nội mới 20 tuổi Trần Tuấn Minh. Nói về thành công ban đầu của mình, Trần Tuấn Minh không quên nhắc đến sự biết ơn đối với mẹ và thầy - những người đã chắp cánh niềm đam mê để nâng bước sự nghiệp cho anh, trở thành Đại kiện tướng quốc tế.
Điểm tựa vững vàng
Thực lực kinh tế của gia đình Trần Tuấn Minh không thể giúp con cái theo thể thao chuyên nghiệp. Những gì Trần Tuấn Minh và cậu em trai Trần Minh Thắng (Kiện tướng quốc tế, vô địch lứa tuổi U8 thế giới năm 2008) có được chỉ là tình thương và sự hy sinh của người mẹ nhằm giúp các con thỏa nỗi đam mê.
Hai kỳ thủ Trần Tuấn Minh (trái), Trần Minh Thắng (phải) cùng Chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng. |
Bà Nguyễn Thị Xuân, mẹ của Trần Tuấn Minh là nhân viên kế toán của một công ty cầu đường. Sau khi sinh Trần Tuấn Minh, người con thứ ba, vào năm 1997, bà nghỉ việc. Lúc đó, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của người cha, cũng là công nhân của công ty. Nhưng, “con không chê cha mẹ khó” - những đứa con của ông bà lớn lên trong sự thiếu thốn vật chất, nhưng chúng không để chuyện đó làm mất niềm tin cuộc sống. Mà đã tìm được niềm đam mê với môn thể thao trí tuệ.
Bắt đầu từ việc cô con gái thứ hai trong gia đình là Trần Thu Thảo được học cờ tướng ở Trường Tiểu học Đông Ngạc rồi dạy lại cho cậu em trai Trần Tuấn Minh, khi đó mới gần 3 tuổi. Trần Tuấn Minh học nhanh, tiếp thu tốt một cách kỳ lạ. Cả hai chị em được vào đội tuyển cờ tướng của học sinh huyện Từ Liêm (cũ), rồi tham dự giải đấu cấp thành phố. Lần ấy, Trần Tuấn Minh mới hơn 5 tuổi nên Ban tổ chức phải chồng đến 6 cái ghế nhựa mới đủ để cậu… nhìn thấy quân cờ.
Sau lần đó, các huấn luyện viên cờ tướng của Hà Nội đã khuyên bà Xuân cho hai con tập luyện bài bản ở Câu lạc bộ cờ tướng Hà Nội. Nhưng đoạn đường từ nhà (Đông Ngạc) đến nơi tập luyện xa hàng chục cây số, trong khi bà Xuân không đi được xe máy. Cũng may, một huấn luyện viên cờ tướng nhà ở Cổ Nhuế, cách Đông Ngạc hơn 2km, đã đề nghị bà Xuân đưa hai con đến nhà để ông đưa cả hai tới nơi tập luyện.
Theo học cờ tướng ở câu lạc bộ được vài tháng thì Trần Tuấn Minh bị “bắt cóc” sang môn cờ vua. Chuyện là, trong dịp diễn ra một giải đấu cấp thành phố, một huấn luyện viên đã mời Trần Tuấn Minh chơi thử cờ vua. Võ vẽ một chút về cờ vua từ trước, cậu bé chơi trong sự ngạc nhiên của vị huấn luyện viên này và lập tức nhận được lời khuyên nên chuyển sang cờ vua vì có tố chất và cũng vì cờ vua có nhiều giải cấp quốc gia, quốc tế hơn so với cờ tướng. Trần Tuấn Minh đã gật đầu đồng ý.
Thời điểm đó, bà Xuân dù bận bịu hơn sau khi sinh đứa con thứ tư, chính là Kiện tướng quốc tế Trần Minh Thắng hiện nay, nhưng vẫn quyết tạo điều kiện cho con theo đuổi đam mê. Trước đó không lâu, có người đã xin cho bà chân kế toán ở một công ty khác. Tuy nhiên, nghĩ đến lời khuyên của vị huấn luyện viên cờ tướng, rằng “bà đi làm thì sẽ bỏ phí tài năng của cái Thảo và thằng Minh” nên bà lại thôi.
Từ đó, đều đặn ít nhất 2 buổi/tuần, bà Xuân kẽo kẹt đạp xe chở Trần Tuấn Minh tới Trường Thể thao 10-10 rồi sau này là Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội. Ít năm sau, cậu em Trần Minh Thắng cũng theo anh, chị đi tập cờ vua. Bình thường, bà Xuân chở Tuấn Minh còn Thu Thảo chở cậu em Minh Thắng. Lúc cô con gái nghỉ tập ở đội cờ tướng Hà Nội, một mình bà chở cả hai cậu con trai đến nơi tập.
Vòng quay bánh xe đều đặn, bao nhiêu mồ hôi của người mẹ đổ xuống để hai con theo đuổi đam mê. Những ngày con thi đấu vào buổi tối, việc mẹ con bà về đến nhà vào lúc 1-2h sáng là bình thường. Nhưng như thế cũng không khổ bằng những ngày mưa, đường ngập, nước dâng cao đến hơn nửa bánh xe. Về đến nhà, cả ba mẹ con ướt sượt. Sau khoảng 7 năm thì việc đưa đón các con mới dừng khi cả Tuấn Minh và Minh Thắng được đi tập huấn dài hạn ở Hungary (năm 2009).
Đến nay, Trần Tuấn Minh vẫn bảo rằng, nhờ mẹ nên anh mới có thể theo đuổi cờ vua đến tận bây giờ.
Hơn cả đam mê
Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên ý thức thi đấu để giúp đỡ gia đình đã hình thành trong Trần Tuấn Minh từ sớm. Nhớ lần thi đấu quốc tế đầu tiên của Trần Tuấn Minh ở Brunei (năm 2003), bà Xuân chạy vạy mãi mới thu xếp được hơn chục triệu đồng để con dự giải theo diện xã hội hóa. Chia tay trước khi con lên đường, bà nói vui: “Mẹ thu xếp mãi mới được ít tiền để con dự giải. Con thua trận là cả nhà mình ra ngoài sân chứ không thể ở trong nhà nữa đâu”. Cậu bé 6 tuổi mang câu nói ấy vào bàn đấu nên khi thua một ván, cậu ngồi lỳ trong phòng thi đấu, mặt buồn thiu. Đến khi huấn luyện viên hỏi nguyên cớ thì cậu mới kể lại câu nói của mẹ… Cuối cùng, ở giải đó, Trần Tuấn Minh giành 2 Huy chương vàng, tiền thưởng đủ bù “vốn” mẹ đã bỏ ra.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng cho rằng, Trần Tuấn Minh cũng như cậu em trai Trần Minh Thắng hơn rất nhiều kỳ thủ cùng trang lứa ở tâm thế khi tập luyện cờ vua. Cả hai xác định ngay từ đầu rằng cờ là nghề, là thu nhập chính. Những khoản tiền bồi dưỡng, lương của hai anh em đã đỡ đần rất nhiều cho gia đình bởi bà Xuân không có lương hưu. Thế nên, cả Trần Tuấn Minh và Trần Minh Thắng thực sự chuyên tâm với cờ vua. Hai anh em được ngành Thể thao Hà Nội tập trung đầu tư mạnh mẽ trong vài năm qua với các chuyến tập huấn dài hạn ở Nga, Hungary và thi đấu quốc tế.
Ông Đặng Vũ Dũng cũng chịu không ít sức ép từ quyết định đầu tư cho hai kỳ thủ này, nhưng rồi thực tế đã chứng minh quyết định đó là đúng. Trần Tuấn Minh là kỳ thủ Hà Nội thứ ba và kỳ thủ Việt Nam thứ 11 có được danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế. Riêng trong năm 2017, Trần Tuấn Minh đã giành chức vô địch quốc gia ở nội dung cờ tiêu chuẩn, tiếp đó là hai tấm Huy chương vàng cờ nhanh, cờ chớp tại Giải vô địch Châu Á 2017 lứa tuổi U20.
Bản thân Trần Tuấn Minh vẫn nói: “Mẹ em và các thầy, nhất là thầy Đặng Vũ Dũng, đã tạo điều kiện rất nhiều để em và Minh Thắng có được thành công ban đầu. Không thể đo đếm được công ơn đó”.
Năng khiếu nổi trội, tập luyện chuyên cần, và nhất là ý thức rõ về trách nhiệm phấn đấu để đền đáp công ơn của những người đã hy sinh tất cả cho mình có được thành công; đó chắc chắn sẽ vẫn là động lực để anh em Trần Tuấn Minh, Trần Minh Thắng tiến xa trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.