Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Vũ Kim Dung được mệnh danh là "giọng ngâm thơ vàng" bởi không chỉ truyền tải nội dung mà bà còn lột tả được hồn cốt của từng câu chữ, giúp người nghe cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa và tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm.
1. Nghệ sĩ Vũ Kim Dung sinh năm 1945 tại Nam Định. Năm 16 tuổi, khi Đoàn Cải lương Trung ương về đây lưu diễn và tuyển diễn viên, Vũ Kim Dung trúng tuyển. Đó là những năm tháng đời sống còn nhiều khó khăn, cô diễn viên trẻ măng cùng các đồng nghiệp được phân công về các địa phương, vừa hỗ trợ tăng gia sản xuất và công tác thủy lợi, vừa mang lời ca tiếng hát phục vụ bà con nông dân.
Những năm 1967 - 1968, Vũ Kim Dung trở thành cộng tác viên ngâm thơ cho Phòng Phát thanh binh - địch vận thuộc Cục Nghiên cứu, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Tạ Hữu Yên khi ấy là Trưởng phòng, thường xuyên giao cho cộng tác viên Vũ Kim Dung thể hiện những bài thơ “tâm công”, mang ý nghĩa thu phục lòng người bằng chính nghĩa, lẽ phải và đạo lý trên làn sóng phát thanh địch vận, góp phần tuyên truyền, vận động “phía bên kia” quay súng, trở về với nhân dân, với đất nước.
2. Từ những bài thơ như thế, giọng thơ đi vào lòng người của Vũ Kim Dung đã được khán thính giả biết đến. Bà được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam “nhắm” và đưa về công tác tại Đài. Đến năm 1972, khi về Đài Tiếng nói Việt Nam chưa lâu, Vũ Kim Dung cùng các đồng nghiệp, biên tập viên, nghệ sĩ trong Ban Văn nghệ sơ tán về Sơn Tây.
Những ngày tháng ấy, dẫu phải hòa nhập vào cuộc sống nơi sơ tán thời chiến tranh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng được sống và làm việc trong một tập thể với những con người giàu sức cống hiến, đặc biệt là trong không khí thân tình cùng các đồng nghiệp như biên tập viên Nông Thị Nhuận, nghệ sĩ Trần Thị Tuyết, nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh…, Vũ Kim Dung như chim tung cánh giữa trời xanh, giọng thơ mỗi ngày một ngân vang.
Nghệ sĩ Kim Dung nhớ mãi kỷ niệm khi đang ở điểm sơ tán, bà nhận được lệnh trở về trụ sở chính ở Hà Nội để phục vụ một đoàn dũng sĩ từ miền Nam ra, bà cùng đồng nghiệp đã phải đạp xe gần 40 cây số từ chùa Thầy về Đài biểu diễn. Rồi ngay đêm hôm ấy hai nghệ sĩ Vũ Kim Dung, Trần Thị Tuyết lại kỳ cạch đạp xe về nơi sơ tán. Khi ngang qua phố Khâm Thiên, hai nghệ sĩ chứng kiến cảnh tượng tang thương sau khi trận bom Mỹ trút xuống. Nén đau thương và xúc động dâng trào, họ động viên nhau và tự nhủ, phải nghị lực để sống và làm việc, làm sao cho mỗi buổi “Tiếng thơ” lên sóng, các tác phẩm qua giọng ngâm của mình khiến công chúng cảm nhận sâu sắc hơn sự mất mát của chiến tranh.
Từ thời chiến rồi đến thời bình, ngoài những lúc miệt mài ở phòng thu, không quản ngại nắng mưa, đường sá xa xôi, nghệ sĩ Vũ Kim Dung luôn sẵn sàng đi về các địa phương khắp đất nước để biểu diễn phục vụ bà con. Đi cùng nghệ sĩ ngày đó là các giáo sư Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, nhà văn Thanh Tịnh và các nhà thơ ở Đài Tiếng nói Việt Nam như Nguyễn Bùi Vợi, Trúc Thông, Vũ Quần Phương...
Mấy chục năm gắn bó với “nghiệp” ngâm thơ, với chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Vũ Kim Dung đặc biệt tâm đắc với các sáng tác trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 50 năm gắn bó với “Nhật ký trong tù”, bà thấm thía những lời chỉ bảo răn dạy rất tình người của Bác.
Nói đến đây, bà cao hứng ngâm mấy câu thơ: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Nghệ sĩ Kim Dung đã được đi khắp nơi ngâm thơ, minh họa thơ của Bác, đặc biệt là trong các dịp kỷ niệm sinh nhật Người. Bà còn cất công trình bày rồi thu thanh lại toàn bộ tập thơ “Nhật ký trong tù” mang tặng Khu di tích lịch sử Kim Liên.
Để có một chất giọng ngâm thơ được ví như “giọng vàng” như thế, với nghệ sĩ Vũ Kim Dung là sự học hỏi và đúc rút kinh nghiệm của cả một đời người. Khi cầm trên tay một bài thơ, bà tìm cách để thẩm thấu và rồi thể hiện sao cho chính xác, đưa đến nhiều cảm xúc nhất cho người nghe. Nghệ sĩ còn để tâm lắng nghe phân tích của các nhà văn, nhà phê bình để thể hiện đúng tinh thần tác phẩm. “Khi mình ngâm một bài thơ là mình đang chắp cánh cho nội dung tác phẩm” - bà nói giản dị mà sâu sắc về công việc cũng là đam mê của bản thân.
3. Nhiều năm nay, vợ chồng nghệ sĩ Kim Dung chủ yếu sống ở nước ngoài (Cộng hòa Séc) cùng gia đình con gái Thu Hương. Sống xa Tổ quốc, cùng với ban nhạc gia đình mang tên Sơn Hương, bà vẫn cất cao giọng ngâm thơ Bác trên xứ người. Nữ nghệ sĩ bồi hồi xúc động khi có những khán thính giả đã nhận ra giọng ngâm Vũ Kim Dung nổi tiếng trong chương trình “Tiếng thơ”.
Khi ở Việt Nam, bà từng có nhiều thế hệ học trò theo học bà ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, hay tại lớp dạy ngâm thơ tại nhà, bà luôn truyền dạy với tâm niệm “Tre già măng mọc”. Nữ nghệ sĩ cũng truyền dạy tình yêu thơ Bác cho con gái - ca sĩ Thu Hương ngay từ những ngày còn bé. Thu Hương từng vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn ngâm thơ cho Bác và các lãnh đạo Nhà nước nghe.
Thi thoảng nghệ sĩ Vũ Kim Dung trở về thăm quê hương và mỗi lần như thế bà lại được mời tham gia ngâm thơ tại những sự kiện, sân khấu lớn nhỏ. Khán thính giả vẫn nhớ một giọng ngâm truyền cảm, đi vào lòng người, một nghệ sĩ cùng với những giọng ngâm "một thời để nhớ" như Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc, Trần Thị Tuyết… đã để lại ấn tượng trong lòng thính giả yêu chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 2018, bà về nước và tới thăm lại cơ quan cũ, tặng các đồng nghiệp tiếp bước những câu thơ ý nghĩa được thảo trên nét chữ thư pháp. Món quà quý ấy hiện thời được đặt trang trọng trong khuôn viên làm việc của Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam.
Gần đây, khi người bạn đời xa cõi dương gian, nghệ sĩ Kim Dung năng về Hà Nội hơn. Năm vừa qua, trước khi nghệ sĩ Vũ Kim Dung chính thức nhận danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân, Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) - Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức giao lưu “NSND Vũ Kim Dung: Tiếng thơ sóng bước cuộc đời”.
Tại buổi giao lưu này, nghệ sĩ Kim Dung đã cùng với các đồng nghiệp tại Ban Văn nghệ Đài, các nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thành Phong cùng với các đồng nghiệp học trò, các thế hệ nghệ sĩ như nghệ sĩ đàn bầu Xuân Sơn, NSND Văn Chương, nghệ sĩ Ngọc Thọ, nhà báo, nghệ sĩ Thanh Thủy... ôn lại những kỷ niệm một thời.
Ở ngưỡng gần chạm tuổi 80, NSND Vũ Kim Dung lại cất giọng ngâm những bài thơ của Bác, của thi sĩ đồng hương Nguyễn Bính rồi hòa giọng cùng các học trò. Buổi giao lưu gợi về dư âm của chất giọng vàng trên sóng "Tiếng thơ" một thời, một giọng ngâm thơ vẫn còn khỏe khoắn và cảm xúc vượt lên sự trôi chảy của thời gian...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.