Thực hiện Chương trình số 1848/CTr-TLĐ, ngày 6-11-2006 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn”, đến nay, việc làm ý nghĩa này đã và đang trở thành hoạt động có sức lan tỏa sâu rộng, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.
Tại Hà Nội, chương trình này đã và đang chắp cánh ước mơ an cư lạc nghiệp cho nhiều người, được đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cũng như dư luận xã hội đồng tình hưởng ứng.
Niềm vui bên căn nhà mới
Dẫn phóng viên Báo Hànộimới đi thăm ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, anh Lê Hữu Đoàn - nhân viên bảo vệ Trường Tiểu học Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) không khỏi vui mừng, xúc động vì giờ đây gia đình anh đã có một căn nhà khang trang, vững chãi ngay trong những ngày đầu năm 2024.
Tiền lương bảo vệ của anh Đoàn vốn ít ỏi, vợ anh lại làm nghề tự do, sức khỏe yếu, công việc không ổn định nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Qua nắm bắt từ Công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng đã hỗ trợ gia đình anh Đoàn 10 triệu đồng; đề nghị và được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm 40 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Ban Chấp hành Công đoàn Trường Tiểu học Thọ Xuân cùng các đoàn viên Công đoàn của nhà trường đã chung tay hỗ trợ, giúp đỡ với tổng mức kinh phí là 95 triệu đồng. “Đây là nền tảng quan trọng ban đầu giúp tôi mạnh dạn vay mượn thêm anh em họ hàng, quyết tâm xây nhà và đến nay đã có được ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống” - anh Đoàn bày tỏ.
Gia đình anh Đoàn là một trong số hàng trăm gia đình có “Mái ấm công đoàn” được tổ chức Công đoàn thành phố hỗ trợ xây dựng và hoàn thành mỗi năm nhằm giúp đỡ, sẻ chia một phần vất vả với công nhân, viên chức, lao động nghèo, thu nhập thấp, thiếu việc làm, chưa có nhà ở... trên địa bàn Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết: Xác định việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa “Mái ấm công đoàn” là việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn thường xuyên tổ chức khảo sát, nắm tình hình về nhu cầu về nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. Trên cơ sở đó nhanh chóng tổ chức thẩm định, họp xem xét, giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn sớm an cư lạc nghiệp, yên tâm công tác. Cùng với Công đoàn, bằng tấm lòng thơm thảo và tinh thần tương thân tương ái, đông đảo công nhân, viên chức, lao động Thủ đô cũng tích cực đóng góp cho Quỹ Xã hội của tổ chức Công đoàn; rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành đã vào cuộc tích cực giúp cho Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” được triển khai nhanh và đạt hiệu quả cao trong thực tế.
Tương tự, tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… vẫn còn nhiều lao động nghèo đang phải sống trong cảnh nhà tranh tạm bợ. Liên đoàn Lao động các tỉnh này xác định việc tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng. Nhờ vậy, hằng năm đã có 100% công nhân, viên chức, lao động tự nguyện tham gia ủng hộ quỹ, với số tiền thu được luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao; qua đó đã giúp giấc mơ an cư lạc nghiệp của nhiều gia đình trở thành hiện thực.
Cần thêm sự chung tay của toàn xã hội
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” do các cấp Công đoàn Việt Nam thực hiện đã giúp gần 14.000 đoàn viên, người lao động thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở, với tổng số tiền được hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng. Ý nghĩa của chương trình không chỉ dừng ở giúp đỡ người lao động xây dựng lại ngôi nhà, mà còn tạo động lực để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Dù vậy, trên thực tế nhu cầu về nhà ở của đoàn viên, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều, rất đa dạng, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của tổ chức Công đoàn còn hạn hẹp. Để Chương trình ngày càng phát triển và nâng cao hiệu quả, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần tiếp tục có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng; gắn việc triển khai Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” với các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo quy định mới tại Luật Nhà ở 2023 vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Từ đó, bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội.
Đón nhận thông tin này, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay, cán bộ Công đoàn và công nhân, lao động rất phấn khởi và mong muốn trong nhiệm kỳ mới này, cùng với đẩy mạnh Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn”, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ nhanh chóng triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân, lao động sớm được thuê, mua nhà với giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.