Kinh tế

Quyết tâm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025:Tạo hạ tầng vững chắc bước vào kỷ nguyên mới

Tuấn Lương 01/05/2025 - 06:27

Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ Xây dựng, các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã vào cuộc với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để sớm hoàn thành, đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.

Qua đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

thi-cong.jpg
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Ảnh: Quang Đạt

Ngay trước lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), ngày 28-4, 3 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài hơn 35km, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài hơn 54km qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh và đoạn Bùng - Vạn Ninh dài 49km qua địa phận tỉnh Quảng Bình đã được các ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác.

Cũng trong ngày 28-4, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã thông xe tạm thời hai đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, gồm: Đoạn từ nút giao cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) và từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai). Trước đó, vào ngày 20-4, 70km cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang cũng được thông xe, đưa vào khai thác.

Đây là những đoạn tuyến cao tốc mới nhất được thông xe kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” (ngày 18-8-2024).

Để kịp thông xe dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, liên tục trong nhiều tháng qua, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng), các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu… đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, khắc phục các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, vật liệu, thời tiết…, tổ chức thi công xuyên lễ, xuyên Tết, triển khai “3 ca, 4 kíp” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Giám đốc điều hành Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng Nguyễn Khắc Trung cho biết, nhờ các mỏ đất được cấp phép khai thác, mặt bằng cơ bản giải quyết, từ nhà thầu, tư vấn đến chủ đầu tư đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất.

“Việc đưa vào khai thác một số dự án thành phần (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, Vân Phong - Nha Trang, Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu) đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được đưa vào khai thác là 2.268km; trong đó có 4 dự án đã hoàn thành về đích vượt tiến độ từ 6 đến 9 tháng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thông tin.

Một trong ba đột phá chiến lược

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc; đến năm 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000km. Như vậy, theo mục tiêu đề ra, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, vẫn còn hơn 700km đường bộ cao tốc phải hoàn thành.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Quyết Tiến, để bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc, Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu các ban quản lý dự án bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật tại các dự án, nhất là dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - Lộ Tẻ. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án 2 và các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan bảo đảm nguồn cung cấp vật liệu cho các dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Với công tác tổ chức thi công, Cục đã đề nghị các chủ đầu tư rà soát, quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để bù lại tiến độ bị chậm, đặc biệt tại các dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong, Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 3.000km đường bộ cao tốc là một bước đi chiến lược, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới. Hệ thống cao tốc hiện đại sẽ kết nối các vùng, thúc đẩy giao thương, logistics và thu hút đầu tư. Khi có cao tốc, cộng với việc quy hoạch và bố trí các nút giao hợp lý, sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng phát triển không gian kinh tế mới từ tuyến cao tốc. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị thế hệ mới, gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, việc triển khai và hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc không chỉ góp phần tích cực vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bộ Xây dựng và các địa phương quyết tâm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phấn đấu hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030 theo mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025: Tạo hạ tầng vững chắc bước vào kỷ nguyên mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.