Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - thời đại khoa học công nghệ và chuyển đổi số dẫn dắt, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trước bối cảnh này, cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số - kỷ nguyên thông minh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm...
1. Việt Nam là một quốc gia có dân số đông. Ở thời điểm hiện tại, nước ta có khoảng 101,4 triệu người, đông dân thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.
Xét về cơ cấu độ tuổi, Việt Nam hiện vẫn ở trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Tuy vậy, cơ cấu dân số của Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ “dân số vàng”, với hiện tượng già hóa dân số đang diễn ra tốc độ nhanh. Dự kiến đến năm 2036, tỷ lệ người cao tuổi sẽ đạt 20%, đồng nghĩa với việc Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già.
Có nhiều vấn đề đặt ra khi tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh. Dễ thấy nhất là khi dân số già sẽ không còn lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hơn nữa, dân số già sẽ khiến tỷ lệ người lao động giảm, số người phụ thuộc tăng lên, dẫn tới gánh nặng tài chính, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động.
Phân tích như vậy để thấy, dân số già hóa là thách thức lớn đầu tiên đối với việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững để tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ trong giai đoạn “dân số vàng”.
Chưa kể, khi xét đến thể chất, sức khỏe tổng thể và chiều cao trung bình của người trong độ tuổi lao động ở nước ta vẫn tồn tại một khoảng cách rõ rệt so với nhiều nước trên thế giới. Những con số kể ra đây cho thấy rõ điều đó: Chiều cao trung bình của nam giới ở Việt Nam trong lần khảo sát gần nhất vào năm 2020 là 168,1cm, nữ giới là 156,2cm, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay là 74,5 năm, thấp hơn 5-10 năm so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam là 19,6%, cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Nhật Bản hay Singapore...
Cùng với thực trạng dân số đang dần già hóa, chất lượng nguồn nhân lực của những người trong độ tuổi lao động cũng cần phải quan tâm. Con số đáng chú ý là dù đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng hơn 53 triệu người, nhưng số lao động đã qua đào tạo, được cấp bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân mới đạt khoảng 28%.
Thực tế nêu trên cho thấy, dù chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã được nâng cao trong những năm qua, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở khả năng sáng tạo, năng suất lao động, kỹ năng thực hành và trình độ ngoại ngữ. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm 32 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tuy nhiên, năng suất lao động chỉ đứng thứ 117/181 nước, vùng lãnh thổ được thống kê và chỉ tương đương 11,4% so với Singapore, bằng 35,4% của Malaysia...
Như vậy, một trong những thách thức lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay là làm thế nào để tăng năng suất lao động, phát triển các ngành nghề, công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng.
2. Có thể thấy, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số - kỷ nguyên thông minh, nước ta phải hóa giải những thách thức lớn đặt ra để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực càng cấp bách hơn khi nước ta đang thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm nay và tăng hai con số trong những năm tiếp theo, để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, người dân có thu nhập cao.
Vấn đề cần quan tâm đầu tiên là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đặt trong bối cảnh nước ta đang thực hiện đồng bộ công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Công việc hệ trọng này, xét cả trước mắt và lâu dài, Đảng, Nhà nước ta đều đặt ra yêu cầu phải chọn lựa được những cán bộ hội đủ tài, đức để có thể đảm đương được công việc trong bối cảnh mới.
Thứ hai là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần gắn với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bởi trong giai đoạn hiện nay, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là động lực quan trọng để nước ta thực hiện hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, chúng ta cần từng bước hình thành được đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong các lĩnh vực, ngành nghề phi truyền thống và công nghệ cao như: Công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Thứ ba, phải khẳng định nguồn lao động luôn là vốn quý, là tài nguyên, là lực lượng quyết định đến năng suất lao động, giá trị gia tăng, sức phát triển, sức cạnh tranh và khả năng độc lập, tự chủ của một quốc gia. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải hóa giải được các thách thức lớn là thời kỳ dân số già hóa đang đến gần hơn và lợi thế “dân số vàng” sẽ dần kết thúc; nâng cao thể chất, sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người trong độ tuổi lao động; nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để tăng năng suất lao động.
3. Trong nhiều bài viết, bài phát biểu, khi nhấn mạnh đến quyết sách lớn đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh: “Về lao động, triển khai các cơ chế phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao kỹ năng học tập suốt đời, năng lực và năng suất của lực lượng lao động Việt Nam. Và cao nhất, là xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam của “thế hệ vươn mình”, để đến năm 2045 những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi sánh vai cùng bạn bè quốc tế cả về trí tuệ và thể chất”.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là lấy con người làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển con người trở thành vấn đề trọng tâm và mang tính chiến lược quyết định sự thành công của đất nước. Thực tế hiện nay cho thấy, giáo dục, đào tạo, thể thao, văn hóa và chính sách dân số đang là những trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quốc gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để người lao động phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa về đức - trí - thể - mỹ. Trong đó, giáo dục và đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu, là nền tảng vừa phổ cập kiến thức phổ thông, vừa tập trung giáo dục khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc, kỹ năng sống đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương cũng đang quan tâm xây dựng chiến lược, kế hoạch nâng cao chất lượng dân số, trước hết là có cơ chế, chính sách hiệu quả duy trì mức sinh thay thế cũng như quan tâm chăm sóc sức khỏe, thể chất của cộng đồng một cách toàn diện và chất lượng hơn...
Ở góc độ công dân, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mỗi người cần không ngừng học tập về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kinh nghiệm làm việc và khả năng phối hợp trong tập thể để nâng cao tính kỷ luật, năng suất lao động và phát huy sức mạnh tổng hợp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược (thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực) nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và trách nhiệm đặt ra cho từng cấp, từng ngành và từng địa phương càng cao hơn. Làm sao để chúng ta từng bước hóa giải trăn trở của Tổng Bí thư Tô Lâm khi đề cập đến vấn đề này là: “Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị “tổ” cho “đại bàng”, điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những “cánh rừng”, những “cánh đồng” cho các “đàn ong” lấy hoa làm mật? Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực?”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.