Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu

Thanh Hiền| 21/07/2017 06:36

(HNM) - “Tăng cường phối hợp lực lượng trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu...”.


Lực lượng chức năng huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp bắt giữ hàng cấm vận chuyển qua biên giới.


Phát hiện 88.560 vụ vi phạm


Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao, hàng cấm (như ma túy, vật liệu nổ, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, xăng, dầu, ngà voi, sừng tê giác...).

Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 88.560 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và truy thu thuế hơn 7.900 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái; đã khởi tố hơn 1.100 vụ, 1.372 đối tượng. Điển hình là vụ bắt giữ 7.800 bao thuốc lá ngoại nhập lậu tại Long An; vụ bắt giữ 1.936 kiện pháo, quần áo, giày dép, phụ tùng ô tô không có hóa đơn chứng từ, vận chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh; vụ bắt giữ 26kg sừng tê giác, 6kg ngà voi tại Hà Nội...

Riêng ở Hà Nội, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 1.584 vụ vi phạm về hàng lậu; phạt hành chính trên 13,8 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 76,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, nếu trước đây hàng hóa có giá trị cao, có uy tín trên thị trường và do nước ngoài sản xuất thường bị làm giả, thì nay là những mặt hàng tiêu dùng, bị giả mạo về thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, tên, nguồn gốc hàng hóa cũng xuất hiện. Nhiều đối tượng đặt sản xuất hàng tại Trung Quốc rồi đưa về Việt Nam gắn nhãn mác hàng Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng.

Tuy số vụ vi phạm bị xử lý tăng so với năm ngoái, song nhiều đại biểu có chung đánh giá, hiệu quả công tác quản lý chưa đạt yêu cầu. Thông tin và dự báo chuyên sâu về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ, công chức trực tiếp kiểm tra, xử lý còn hạn chế. Thể chế luật pháp còn nhiều "kẽ hở" đã tạo điều kiện cho các đối tượng "lách" luật, làm hàng giả, hàng nhái. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để trục lợi lớn.

Kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm


Để khắc phục những tồn tại trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, việc này cần tiến hành trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng không để trống "trận địa". Cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa các lực lượng và giữa các địa phương, kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp ngăn chặn, xử lý đường dây, tổ chức vi phạm lớn.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nêu rõ, phải tập trung đấu tranh với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ trật tự pháp luật và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng thường trực, trước mắt, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, từ đó đề ra giải pháp khắc phục thực chất, bài bản. "Xác định rõ các thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát lớn cho ngân sách; những mặt hàng, địa bàn trọng điểm, các đối tượng cầm đầu để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá; chấm dứt hiện tượng tập kết hàng lậu công khai ở biên giới, vận chuyển công khai trên đường" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu.

Qua thực tế nhiều vụ vi phạm lớn bị phát hiện nhưng không xử lý được đối tượng cầm đầu do tổ chức mạng lưới chặt chẽ, sẵn sàng dùng vũ khí chống trả lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để phát hiện các mặt hàng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu từng địa bàn, lĩnh vực; sẵn sàng điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.