Dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố Hồ Chí Minh, việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trở nên phức tạp.
Chiều 5-12, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nắm bắt được tình trạng đó, cơ quan này đã và đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Kết quả triển khai đến nay, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 294 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 100 nghìn đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 4,2 tỷ đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Đối với các khu vực, địa điểm nổi cộm như Saigon Square, chợ Bến Thành, chợ Nga... Cục Quản lý thị trường đang tập trung đấu tranh, phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và gian lận thương mại tại các địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại khu vực quận 1 từ nay đến hết cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025.
Theo đó, đã kiểm tra 70 vụ tại các khu vực nổi cộm, tạm giữ 2.439 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 550 triệu đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 829 triệu đồng.
Trong thời gian tiếp theo, Cục Quản lý thị trường tiếp tục tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh truyền thống cũng như trong thương mại điện tử; các cơ quan, tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động quản lý và kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề thuốc lá điện tử, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 65 vụ vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Qua đó, tạm giữ 16.185 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện thuốc lá điện tử với giá trị hàng hóa ước tính hơn 4,9 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường thành phố đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, mặt hàng thuốc lá điện tử được kinh doanh rải rác ở nhiều khu vực trên địa bàn nhưng thường tập trung ở một số khu vực quận 1, 3, 7, 10, Tân Bình và Phú Nhuận. Cục coi thuốc lá điện tử là một trong các mặt hàng trọng điểm tăng cường kiểm tra, xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.