Thị trường

Quyết liệt chống buôn lậu dịp giáp Tết

Thanh Hiền 08/12/2024 - 17:47

Giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là thời điểm nạn buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thường diễn biến phức tạp.

Thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, hiện các lực lượng chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Nhận diện nhiều thủ đoạn tinh vi

Gần Tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép thường diễn biến phức tạp. Triển khai đợt cao điểm kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp cùng các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa vi phạm.

8-12-anhbcd-389-hn-bat-giu-thuoc-la-dien-tu.jpg

Trên địa bàn nội địa, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, nhất là vào thời điểm cuối năm 2024. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo thời trang, tất, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô...

Điển hình, cuối tháng 10 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 24 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp Công an huyện Hoài Đức kiểm tra, phát hiện 37.000 chiếc nhãn mác, 35.450 đôi tất chân giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ; Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố phát hiện hành vi kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, hàng hóa gồm 11.900 sản phẩm tất chân giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Trong khi đó, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua tuyến đường hàng không Nội Bài vẫn diễn ra phức tạp. Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ 25.800 gam ma túy tổng hợp…

Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu số lượng lớn nhưng tình trạng buôn lậu thời điểm giáp Tết không có dấu hiệu hạ nhiệt, mà diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, bên cạnh phương thức, thủ đoạn cũ như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa..., các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, khó lường như không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh.

Các đối tượng cũng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng…

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là thời điểm nạn buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thường diễn biến phức tạp. Thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, hiện các lực lượng chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

8-12-anhqltt2.jpg

Nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2024 và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, các đội quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức trong việc tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại. Việc đấu tranh tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo nhu cầu sử dụng tăng cao trong dịp lễ, Tết như các mặt hàng thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Địa bàn tập trung kiểm tra là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa, tuyến giao thông trọng điểm...

Cùng với đó, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát theo lĩnh vực, địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Dịp Tết Nguyên đán là cao điểm mua sắm, nhiều doanh nghiệp khuyến mại, xả hàng tồn, vì vậy, lực lượng chức năng cũng sẽ kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của doanh nghiệp Việt, qua đó bảo vệ uy tín của doanh nghiệp sản xuất trong nước và quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được triển khai với mục tiêu bảo đảm ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chống buôn lậu dịp giáp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.