Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo về một cuộc chiến toàn diện

Phương Quỳnh| 29/01/2015 06:29

(HNM) - Thỏa thuận Minsk được ký kết giữa Chính phủ Ukraine, lực lượng ly khai với trung gian là Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đang tiến gần bờ vực đổ vỡ . Các cuộc xung đột với tần suất ngày càng dày đặc tại miền Đông Ukraine, nguy cơ về một cuộc chiến lan rộng càng trở nên rõ ràng,

Lính Ukraine gác ở miền Đông Ukraine. (Ảnh: RT)


Ngay sau khi Ukraine ban bố tình trạng báo động cao trên toàn bộ lãnh thổ, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cũng thông báo về một kế hoạch thống kê tất cả các hầm trú ẩn tiềm năng. Trong khi đó, lượng vũ khí và binh sĩ được cả quân đội Ukraine và lực lượng ly khai điều động tới khu vực giữa nước Cộng hòa Donetsk và Cộng hòa Lugansk tự xưng với phần còn lại của Ukraine liên tục gia tăng. Ngày 28-1, Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cáo buộc lực lượng đòi độc lập tấn công các đơn vị quân chính phủ và chiếm đóng các vị trí chiến lược làm 9 binh lính thiệt mạng và 30 người khác bị thương. Các thành phố Debaltsevo, Vuhlehirsk và Mariupol đang bị tấn công dữ dội. Trong khi đó, Hãng tin Novorossia của lực lượng đòi độc lập khẳng định quân chính phủ đã tiến hành 28 cuộc tấn công trong cùng thời gian này và cho biết họ đã đẩy lui quân đội chính phủ ra khỏi hai quận ngoại ô thành phố Donetsk. Mục tiêu sắp tới của lực lượng đòi độc lập là kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk, bao gồm các trung tâm đông dân cư do quân chính phủ kiểm soát, như cảng Mariupol.

Hy vọng cứu vãn hòa bình duy nhất là thỏa thuận Minsk có hiệu lực từ cuối năm 2014 ngày càng trở nên mong manh khi các bên liên quan dường như không tỏ ra thiện chí thực thi các cam kết. Những động thái trong vài ngày qua là lời cảnh báo tình trạng căng thẳng sẽ leo thang khó lường. Ngày 28-1, Quốc hội Ukraine kêu gọi Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và các tổ chức quốc tế khác công nhận Nga là một "nhà nước xâm lược"; đồng thời đề nghị Hội đồng Nghị viện Châu Âu (PAC) hạn chế quyền hạn của phái đoàn Nga tại cơ quan này cho đến khi Mátxcơva dừng "bỏ qua những yêu cầu của cộng đồng dân chủ". Ukraine kêu gọi các đối tác nước ngoài cung cấp viện trợ quân sự để tăng khả năng phòng thủ và hỗ trợ nhân đạo cho dân thường bị ảnh hưởng và những người di tản. Quốc hội Ukraine cũng đề nghị cộng đồng quốc tế phải công nhận Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk là các tổ chức khủng bố. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã kêu gọi các nước đồng minh NATO tiếp tục ủng hộ Ukraine bằng việc duy trì cam kết an ninh và đóng góp cho kế hoạch mới về triển khai nhanh lực lượng đến các vùng xung đột. Còn các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã chỉ thị cho ngoại trưởng các nước trong khối xem xét một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong cuộc họp tại Brussels vào hôm nay (29-1). Đáp lại, các nghị sĩ tại Hạ viện Nga khẳng định sẽ xem xét các biện pháp thiết thực để đối phó với bất cứ biểu hiện nào của chủ nghĩa bài Nga.

Cho dù các bên liên quan vẫn khẳng định không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng khả năng về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga, Ukraine và phương Tây đã được nghĩ tới khi tình hình tại đất nước bên bờ Biển Đen luôn tăng nhiệt và cho đến giờ vẫn chưa tìm ra được những cơ chế thực sự hiệu quả để chấm dứt xung đột. Điều đó không chỉ gây quan ngại an ninh cho Châu Âu mà còn là đe dọa triển vọng hòa bình cũng như những mục tiêu thúc đẩy sự hồi phục kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo về một cuộc chiến toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.