(HNM) - Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) sáng 1-6, nhiều đại biểu Quốc hội đã tán thành nội dung quy định về xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý của dự thảo luật.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Đoàn Thanh Hóa), thời gian qua, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được tổ chức dưới mô hình là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, đặc biệt là người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa... dẫn đến tình trạng người dân không có cơ hội tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách đầy đủ.
Khẳng định xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) kiến nghị, nên khuyến khích các tổ chức luật sư tham gia tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điều này một mặt tận dụng được trí tuệ, trình độ, nguồn lực trong xã hội; mặt khác sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước về biên chế, ngân sách và các chi phí hành chính khác.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý, các hình thức trợ giúp pháp lý...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.