Tại phiên thảo luận hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ bảy về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sáng 26-6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cần có những chính sách khuyến khích nguồn lực toàn xã hội.
Bổ sung chính sách hợp tác công - tư
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm khuyến khích mở rộng việc tổ chức, cá nhân được tham gia và không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử cùng với các tổ chức, cá nhân như các hội trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, cơ quan soạn thảo cần rà soát nghiên cứu bổ sung các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công - tư về phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ bảo tồn phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới.
“Trong đó, chú ý các chủ trương huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa”, đại biểu Đoàn Ninh Bình nói.
Quan tâm đến chính sách đối với bảo tàng tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, chính sách cho bảo tàng ngoài công lập của nước ta đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phát triển, hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng những bảo tàng ngoài công lập. Đồng thời, các bảo tàng tư nhân gặp khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép hoạt động của bảo tàng ngoài công lập được quy định còn chung chung. “Đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng, đồng thời, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý”, đại biểu nói.
Bảo đảm phân cấp các nguồn lực quản lý
Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) thống nhất sự cần thiết thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đại biểu cho rằng, đây là một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Thức cũng đề nghị rà soát, thay đổi quy định từ “Nguyên tắc thành lập Quỹ” thành “Nguyên tắc hoạt động Quỹ bảo tồn di sản văn hóa”; đồng thời, bổ sung các nguyên tắc hoạt động của Quỹ cho phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị định hướng dẫn thi hành không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để bảo đảm tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.
Đối với các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung một số chính sách liên quan đến nhân tố thụ hưởng như chế độ miễn phí với các chủ thể, đặc biệt khi tham quan các công trình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia như người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, phái đoàn ngoại giao, người cao tuổi...
Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên) đề nghị, Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương cổ vật”.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp, liên quan đến quy định về chính sách huy động nguồn lực và xây dựng Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng Quỹ sẽ huy động được nguồn lực xã hội để trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. “Nếu như chỉ chờ vào nguồn lực đầu tư công từ Nhà nước sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng nói và cho biết sẽ phân cấp hoạt động của Quỹ phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dự thảo Luật sẽ phân cấp triệt để cho địa phương để quyết định những vấn đề về di tích, di sản trên địa bàn quản lý theo hướng cấp nào công nhận di tích thì cấp đó có toàn quyền quyết định về quản lý, bảo tồn, nâng cấp di tích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.