Trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang hướng đến hàng loạt mục tiêu mang tính lâu dài, bền vững vượt tầm khu vực, nguồn ngân sách nhà nước có hạn thì việc tìm nguồn lực đầu tư cho các giải đấu thể thao, hỗ trợ vận động viên cần được coi trọng.
Để lĩnh vực này phát triển bền vững, công tác xã hội hóa phải được quan tâm hơn nữa, tạo động lực giúp thể thao Việt Nam khởi sắc.
Chú trọng công tác vận động tài trợ
Theo Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những năm gần đây, xã hội hóa thể thao được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, thông qua các hoạt động như: Xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn vận động viên, tổ chức các hoạt động thể thao. Thể thao phong trào phát triển rộng khắp ở nhiều địa phương trên cả nước. Đối với lĩnh vực thể thao thành tích cao, kinh phí nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác tập huấn và tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn, giải tích điểm..., việc tham gia các hoạt động thể thao quốc tế còn lại hầu hết do các liên đoàn, hiệp hội tự huy động từ nguồn xã hội hóa.
Đáng chú ý, các cơ quan quản lý, liên đoàn, hiệp hội thể thao đã chú trọng làm tốt công tác vận động tài trợ, qua đó huy động được số lượng kinh phí rất lớn ngoài ngân sách để tổ chức nhiều giải thể thao trong nước và quốc tế từ nguồn xã hội hóa. Có được những bước tiến này, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp - những đơn vị đã đồng hành, hỗ trợ về mặt tài chính, cơ sở vật chất và tinh thần cho các đội tuyển, vận động viên và hoạt động thể thao trên cả nước.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH DHA Việt Nam (đơn vị nắm bản quyền Giải Marathon quốc tế di sản) Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, tài trợ thể thao không chỉ đơn thuần là việc chi tiền cho một sự kiện, mà thường kéo dài trong nhiều năm với nhiều cam kết khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm rằng khoản đầu tư này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cốt lõi và vẫn có thể duy trì tài trợ trong dài hạn. Với những giải marathon lớn, bên cạnh việc đồng hành của các nhà tài trợ, sự tham gia đóng góp của các vận động viên sẽ góp phần vào thành công của giải đấu.
Là người tham gia tổ chức nhiều giải cờ vua quốc gia và quốc tế, Đại kiện tướng quốc tế, huấn luyện viên đội tuyển cờ vua Việt Nam Bùi Vinh cho hay, với môn cờ vua, câu chuyện của kỳ thủ trẻ Đầu Khương Duy là một ví dụ rõ nét về công tác xã hội hóa. Mới 12 tuổi, kỳ thủ trẻ người Hà Nội đã mang về chức vô địch thế giới. Không phủ nhận, thành công của Khương Duy cũng nhờ có một nền tảng tốt là gia đình ủng hộ và hết lòng hỗ trợ con tập luyện, thi đấu. Đồng thời, đơn vị chủ quản Hà Nội cũng có sự tập trung bồi dưỡng cho kỳ thủ này. Dù thế, để Khương Duy đi được một con đường dài và mang đến thành công cho cờ vua trẻ Việt Nam ở đấu trường thế giới, kỳ thủ này cần sự đầu tư mạnh hơn nữa.
Gỡ khó về cơ chế, chính sách
Theo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đặng Hà Việt, chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Trong đó, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic… Để thể thao Việt Nam đạt được thành tích như kỳ vọng, các vận động viên phải được tạo điều kiện thi đấu, cọ xát ở các giải đấu quốc tế.
Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh nhận định, các bộ môn không thể chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí từ ngân sách. Tốt nhất là kinh phí từ ngân sách dành để đầu tư cho nhóm vận động viên trọng điểm từ tập huấn, thi đấu quốc tế đến chế độ dinh dưỡng, phục hồi và tâm lý. Các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia cần chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho vận động viên tham gia tập huấn và thi đấu nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho hay, bên cạnh nỗ lực trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho lĩnh vực thể thao, Cục cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên rà soát, đề xuất, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế trong kinh doanh thể thao, chuyển nhượng, khai thác bản quyền, tài trợ… nhằm thu hút, mở rộng các nguồn đầu tư trong xã hội, tạo điều kiện phát triển thể dục, thể thao. Cùng với đó, tổ chức các diễn đàn về kinh tế thể thao, phát huy vai trò của Ủy ban Olympic Việt Nam, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia trong công tác phối hợp quản lý, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và tổ chức các sự kiện để giảm "gánh nặng" từ ngân sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.