Trước thực tế, số trường hợp bị chó cắn gia tăng, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai những biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Mục tiêu là kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức nuôi động vật của người dân.
Nỗi lo từ việc không chấp hành các quy định
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, 7 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 45 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, miền Bắc có số ca tử vong cao nhất (20 ca) so với các khu vực khác (miền Nam có 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca).
Tại thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, ổ dịch dại trên chó tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) vào cuối tháng 6-2023 khiến người dân lo lắng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, 1 con chó chưa tiêm phòng vắc xin dại đã cắn liên tiếp 6 người và cắn một số con chó khác. Chi cục đã hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dại. 6 người bị chó dại cắn đã được tiêm phòng vắc xin và truyền kháng huyết thanh, hiện sức khỏe bình thường. Tính đến ngày 29-6, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 24 con chó nghi mắc bệnh dại xung quanh khu vực phát hiện chó dại. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cấp 4.700 liều vắc xin dại và 200kg hóa chất để tiêm phòng bao vây cho chó, mèo chưa được tiêm phòng và vệ sinh, khử trùng tiêu độc.
Ngoài ổ dịch dại trên chó tại thôn Liễu Trì, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tiếp nhận điều trị các ca bệnh bị chó cắn với những tổn thương lớn. Sau khi tiêm phòng bệnh dại, các nạn nhân phải trải qua những ca phẫu thuật để điều trị.
Chị Nguyễn Bích Vân (Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) cho biết, vấn nạn động vật, thú nuôi tấn công người là mối nguy hiểm hiện hữu. Tuy nhiên, tình trạng không chấp hành quy định nuôi dưỡng và quản lý động vật vẫn phổ biến trên toàn thành phố, nhất là ở các huyện ngoại thành. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh các con chó thả rông, không rọ mõm, không có xích ở nơi công cộng như vườn hoa, công viên, khu chung cư...
Xây dựng vùng an toàn từ ý thức quản lý vật nuôi
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh Nguyễn Kiến Dụ cho biết, sau khi xử lý ổ dịch dại trên chó, đơn vị đã tham mưu với các ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dại của huyện, xã tăng cường thống kê, rà soát số lượng đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn chó, mèo; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh dại; các cơ sở y tế bảo đảm tiếp nhận người dân đến tiêm phòng bệnh và chống phơi nhiễm.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Thanh Xuân Mai Thị Lan Hương cho biết, Thanh Xuân là đơn vị hoàn thành vùng an toàn dịch bệnh dại đầu tiên của thành phố (năm 2020) và là đơn vị tiên phong triển khai đội bắt và xử lý chó thả rông. Đến nay, 11/11 phường đều có đội bắt giữ chó thả rông. Sau khi được cấp giấy chứng nhận vùng an toàn, Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Thanh Xuân tiếp tục tham mưu UBND quận xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023, trong đó có công tác giám sát, duy trì vùng an toàn bệnh dại và trang bị vật tư, tập huấn kỹ năng bắt, xử lý chó thả rông được nhân dân ủng hộ. Kết quả, tình trạng chó thả rông giảm 70-80%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, quận đã tổ chức 30 điểm tiêm phòng tại 11 phường và 1 điểm tiêm cố định tại số 41 phố Khương Đình. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo được 2.075 con, đạt 99% tổng đàn hiện có. Sau tiêm phòng đại trà, hằng tháng, quận duy trì tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn vật nuôi biến động, phát sinh. Bên cạnh đó, cùng với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y, các đội bắt và xử lý chó thả rông của 11 phường tổ chức 108 buổi đi bắt và xử lý chó thả rông, xử lý 1 trường hợp vi phạm, phạt tiền 300.000 đồng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Vũ Văn Dũng cho biết: Hiện thành phố đã có 8/12 quận được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh dại trên vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiêm phòng vắc xin dại cho 375.210 con chó, mèo, đạt 95,1% kế hoạch năm, đạt 88,3% tổng số đàn chó, mèo. Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức 35 lớp tập huấn tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật với tổng số lượt người tham dự là 3.395 người; tích cực phối hợp với quận Hoàng Mai và quận Cầu Giấy triển khai công tác tập huấn chuyên trách nhằm hoàn thành kế hoạch công nhận vùng an toàn dịch bệnh dại trong năm 2023.
Chi cục cũng tập trung tuyên truyền chủ vật nuôi chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý chó, mèo nuôi như đăng ký khai báo, tiêm vắc xin, cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng việc xích, rọ mõm; chịu mọi chi phí trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.