Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa hè gia tăng bệnh dại: Đừng chết vì chủ quan

Thu Trang| 05/06/2023 06:18

(HNM) - Sự việc một phụ nữ 38 tuổi vừa tử vong do bệnh dại sau 3 tháng bị chó cắn và chưa tiêm phòng một lần nữa đã gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh mà đến nay y học chưa có thuốc chữa trị và sự chủ quan trong cộng đồng.

Hệ thống tiêm chủng VNVC triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho người dân. Ảnh: Phong Lan

Tử vong do không tiêm phòng

Bệnh nhân nữ nói trên được chuyển từ một bệnh viện ở tỉnh Vĩnh Phúc đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng sợ nước, sợ gió. Trước khi vào viện 3 tháng, bệnh nhân bị chó cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn nhưng đã không đi tiêm phòng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được làm xét nghiệm và có kết quả mắc bệnh dại. Sau đó, tình trạng bệnh nặng hơn, gia đình đã xin cho bệnh nhân về và tử vong tại nhà.

Trước đó, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên và Mê Linh. Cả 2 trường hợp đều có tiền sử bị chó cắn hoặc tham gia giết mổ chó. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại dù nguy hiểm nhưng đã có vắc xin, tuy nhiên hằng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo, có từ 70 đến 100 ca tử vong do bệnh dại mỗi năm. Riêng năm 2022, nước ta ghi nhận gần 60 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, khu vực miền Bắc chiếm số lượng cao nhất với 23 ca, sau đó đến miền Nam là 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca.

Các chuyên gia y tế đánh giá, khi bị chó cắn, nạn nhân có thể bị ủ bệnh từ 9 ngày tới vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vị trí cắn, vị trí đường đi của vi rút dại tấn công lên thần kinh trung ương. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan không tiêm hoặc tiêm vắc xin rất trễ. Thậm chí, có trường hợp còn đợi chó, mèo chết rồi mới đi tiêm. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn quan niệm, bệnh dại có thể chữa bằng thuốc Nam, đắp lá cây, nhờ thầy lang… Hiện chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Song, do tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại là rào cản khiến nhiều người ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.

Trước thực tế trên, bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC lý giải, các loại vắc xin phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm, hiện giá kháng thể sau khi tiêm cao gấp 10 lần so với loại vắc xin cũ, không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ như lời đồn. Hơn nữa, vắc xin thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc xin thế hệ cũ.

Người dân đưa chó, mèo đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình).

Tiêm phòng dại càng sớm càng tốt

Mùa hè nắng nóng, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành Thú y để phòng, chống bệnh dại. Ngoài ra, người dân không được thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo; diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại.

“Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam, đắp lá cây… sau khi bị chó, mèo cắn”, ông Vũ Cao Cương khuyến cáo.

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính cũng cho rằng, sau khi bị động vật nghi dại cắn, hoặc cào, người dân phải tiêm phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của vi rút dại. Đặc biệt, vết thương ở đầu, mặt, cổ càng phải tiêm sớm nhất có thể vì đây là những vị trí gần với não bộ. Khi vi rút dại xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh sẽ có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hạ huyết áp, ăn uống khó khăn… và tử vong chỉ sau 1-7 ngày kể từ khi phát bệnh.

“Sau khi bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, cần tiêm vắc xin dại với liệu trình là 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III, cần phối hợp tiêm globulin miễn dịch kháng dại. Sau khi tiêm vắc xin dại, cần tránh làm việc quá sức, không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các thuốc ức chế miễn dịch; nếu bắt buộc phải dùng, cần có ý kiến của bác sĩ điều trị”, bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa hè gia tăng bệnh dại: Đừng chết vì chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.