Y tế

Nhiều ca tử vong do bệnh dại, có nên tiêm vắc xin dự phòng?

Thu Trang 07/08/2023 - 20:05

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trong 7 tháng của năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 45 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó miền Bắc có 20 ca, miền Nam 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca.

Trước thực tế đó, nhiều người dân đã chủ động tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại.

Theo thông tin từ Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC vào chiều 7-8, thời gian gần đây, tại gần 125 trung tâm tiêm chủng trực thuộc trên toàn quốc đã ghi nhận số người dân đến tiêm vắc xin dại tăng cao; cao nhất là ở miền Tây Nam Bộ (tăng gần 600% so với 2 tuần trước).

Đặc biệt, có nhiều người nuôi thú cưng, cứu hộ động vật, bác sĩ thú y, du học sinh đến tiêm dự phòng dại trước khi bị chó mèo cắn, cào để bảo vệ sức khỏe.

Cứu hộ hàng trăm chú mèo hoang về chăm sóc, vợ chồng chị Ngô Đình Vân Khanh và anh Đỗ Dương Trúc Lâm (ở thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên bị mèo cào, cắn, để lại nhiều vết trầy xước trên da. Chị Vân Khanh chia sẻ: “Mèo hoang bị bỏ rơi, không rõ nguồn gốc nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao, không loại trừ có cả bệnh dại. Do đó, mới đây, hai vợ chồng em đã quyết định tiêm vắc xin dự phòng phơi nhiễm dại cho an toàn”.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, vắc xin dự phòng phơi nhiễm dại chỉ cần tiêm 3 mũi. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm sẽ đơn giản hơn, chỉ cần tiêm 2 mũi vắc xin mà không cần tiêm huyết thanh kháng dại, kể cả khi vết thương nặng, vị trí cắn gần với thần kinh trung ương hoặc nơi tập trung nhiều dây thần kinh.

Trong khi đó, nếu không tiêm phòng dại trước khi bị chó, mèo cắn thì cần phải tiêm 5 mũi với thời gian khắt khe trong một tháng, đặc biệt là trường hợp bị vết thương nặng, vị trí trọng yếu thì cần phải tiêm huyết thanh, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và lịch sinh hoạt, cũng như nhiều tác dụng phụ hơn.

du-hoc-sinh-tiem-du-phong-vxin-dai.jpg
Một du học sinh tiêm vắc xin dại dự phòng tại VNVC.

Đề cập đến việc chủ động tiêm vắc xin phòng dại của người dân, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người do Bộ Y tế ban hành, việc tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại và tiêm nhắc lại theo định kỳ được khuyến cáo đối với những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.

“Nếu trong sinh hoạt hằng ngày, ai đó cảm thấy nguy cơ cao tiếp xúc với con vật bị dại thì cũng nên tiêm dự phòng bệnh dại như là một giải pháp bảo vệ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý thêm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự phòng bệnh dại trước phơi nhiễm là an toàn và tạo miễn dịch tốt, đặc biệt đối với những người tiếp cận dự phòng sau phơi nhiễm bị hạn chế do thiếu huyết thanh phòng dại hoặc vắc xin.

Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại vắc xin phòng bệnh dại có tác dụng phụ, ảnh hưởng hệ thần kinh, gây mất trí nhớ. Trước băn khoăn này, bác sĩ Bạch Thị Chính khẳng định, vắc xin thế hệ cũ tồn tại vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay vắc xin phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người sử dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ca tử vong do bệnh dại, có nên tiêm vắc xin dự phòng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.