Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần làm tốt công tác sàng lọc bệnh, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo

Theo THÀNH SƠN/SGGP| 13/10/2018 08:33

Ngày 12-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết.


Thực tế kiểm tra Khoa Khám bệnh của BV Nhi đồng 2, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn phê bình BV này chưa thực hiện tốt các quy trình cách ly, sàng lọc bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo BV này phải đẩy mạnh, phân luồng bệnh nhân theo hướng 1 chiều, bệnh nhân đi vào và đi ra thẳng khỏi BV không đưa con đi lại nhiều nơi trong BV vì dễ lây nhiễm chéo các bệnh từ trẻ khác.

“Sởi là bệnh rất dễ lây, phụ huynh có con nhỏ mắc các bệnh nhẹ không nên đưa vào BV tuyến cuối như Nhi đồng 1, 2, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các BV lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ BV” - Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo.

Song song đó, một trong những vấn đề nổi cộm được Bộ trưởng quan tâm chính là phòng chống lây nhiễm chéo. Bộ trưởng chỉ đạo các BV cần tìm biện pháp để cách ly khu hô hấp ngay từ phòng khám đến hồi sức cấp cứu.

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG


“Làm sao phải phân bệnh ngay từ tuyến dưới, không để bệnh nhẹ vẫn đổ dồn hết lên tuyến trên. Các BV cần phát huy hơn nữa vai trò của các BV vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại các BV quận huyện, tuyên truyền, vận động người dân có con bị bệnh nhẹ đến khám và điều trị tại các BV này”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Theo báo cáo của BV Nhi đồng 1, 2 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, số ca tay chân miệng, sởi tăng nhanh trong thời gian tháng 9. Cụ thể, tại BV Nhi đồng 1 có 46 ca tay chân miệng nặng, 1 ca tử vong, 83 ca sốt phát ban nghi sởi. BV Nhi đồng 2 tính đến sáng 12-10 có 84 ca điều trị nội trú tay chân miệng, trong đó có 66 bệnh nhân mắc độ 2A, 12 bệnh nhân độ 2B, 1 bệnh nhân độ 3 và 3 bệnh nhân độ 4, bệnh nhân các tỉnh chiếm khoảng 60%. BV Nhi đồng thành phố hiện có khoảng 10 ca sốt xuất huyết, 4 ca sởi và 47 ca tay chân miệng trong đó có 10 ca nặng.

Cũng trong ngày 12-10, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018”.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thông qua “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018”, ngành Y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tại Việt Nam, thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi tập trung đông dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra tại khu phố 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức trong buổi phát động “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018”. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ còn có diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn bùng phát cục bộ.

Trong khi đó, hoạt động phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường dịch bệnh, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng, còn phó mặc cho ngành Y tế.

Ngay sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cùng tham gia các hoạt động thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà tại Trường Mầm non Hoàng Yến (phường Linh Trung, quận Thủ Đức); kiểm tra công tác tiêm vét vaccine phòng sởi cho trẻ tại Trạm Y tế phường Linh Trung; thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng ở hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm tốt công tác sàng lọc bệnh, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.