Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giảm ngay ô nhiễm tiếng ồn!

Thủy Tiên| 14/12/2014 06:20

(HNM) - Từ nhiều tháng nay, cứ sẩm tối, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện các nhóm hát rong. Kẻ hát, kẻ đàn, người đẩy thùng loa và thêm đứa bé ngả mũ xin tiền hoặc mời mua những thứ lặt vặt. Họ đi từ phố này sang phố khác, nhằm vào các quán ăn hay các cửa hàng đông đúc.

Không bàn chuyện họ thiếu lòng tự trọng, thanh niên "sức dài, vai rộng", sao không tìm công việc khác lại làm nghề này. Điều đáng nói là âm thanh phát ra từ thùng loa luôn mở hết cỡ gây bức bối cho dân hàng phố và người đi đường.

Thực ra chả riêng cánh "ăn xin trá hình", tại các thành phố lớn, gây ô nhiễm tiếng ồn còn có tiếng xe máy phân khối lớn, tháo pô, các cửa hàng thương mại mở nhạc quá cỡ thu hút sự chú ý của khách hàng, các xưởng cơ khí nằm trong khu dân cư. Đặc biệt vào giờ tan tầm, người tham gia giao thông ở các thành phố lớn phải chịu sức ép rất lớn vì ùn tắc giao thông, chen chúc, va chạm, khí thải và nhất là những tiếng còi vô cớ liên tục phát ra từ xe máy, ô tô. Họ là nạn nhân, đồng thời cũng là người gây ra những thảm họa đó.

Việc cố ý hay vô thức gây ra âm thanh lớn quá mức đều có thể quy về hai vấn đề là thiếu ý thức văn minh và vi phạm Luật Môi trường. Tiếng còi ô tô, xe máy quá to có thể khiến người đang tham gia giao thông luống cuống trong xử lý dẫn đến tai nạn. Một thành phố quá nhiều và liên tục tiếng còi xe sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, nâng cao chất lượng cuộc sống chính là tiêu chí quan trọng mà các thành phố trên thế giới đang hướng tới. Mới đây thành phố Venice của Italia đã ban hành luật phạt 50 euro những người kéo va li trong đêm gây ra tiếng ồn. Tuy nhiên, ô nhiễm tiếng ồn tác động trực tiếp hay gián tiếp đến sức khỏe con người mới đáng quan ngại. Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy, 5 năm trở lại đây cơ cấu bệnh nhân tâm thần có sự thay đổi; nếu trước kia số bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị tại bệnh viện chiếm từ 70 đến 80% thì nay số bệnh nhân bị stress, chứng mất ngủ, trầm cảm… tăng lên tương đương với nhóm tâm thần phân liệt. Và một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là ô nhiễm tiếng ồn. Tiếng ồn còn trực tiếp gây ra các bệnh về thính lực, tuy không nguy hiểm nhưng mất khả năng nghe - một trong những giác quan của con người khiến cuộc sống không trọn vẹn. Việc các hộ dân ở TP Hồ Chí Minh kiện cơ sở sản xuất làm họ không ngủ được mới đây cho thấy ô nhiễm tiếng ồn ngày càng là vấn đề lớn của xã hội.

Theo Luật Môi trường, ở những nơi như: trường học, bệnh viện, nhà trẻ… từ 18h đến 21h, âm thanh cho phép chỉ ở mức 55dB; từ 21h đến 6h là 45dB. Với khu dân cư, âm thanh tối đa cũng chỉ ở mức 70dB. Vượt quá ngưỡng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Thế nhưng, theo khảo sát mới đây của cơ quan quản lý về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cao hơn nhiều mức cho phép. Vào giờ thấp điểm nhưng âm lượng cao hơn mức tối đa cho phép ở mức 74dB. Tại các nút giao thông, vào giờ cao điểm lên tới 110dB.

Tiếp nối những việc đã làm được trong năm 2014, tại kỳ họp HĐND vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã công bố tiếp tục lấy năm 2015 là Năm trật tự và văn minh đô thị. Để năm trật tự và văn minh đô thị thu được kết quả có lẽ cần có sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là các cấp chính quyền trong công tác thực thi luật pháp mà giảm ô nhiễm tiếng ồn là việc cần làm ngay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần giảm ngay ô nhiễm tiếng ồn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.