(HNM) - Trong kết luận về vụ việc ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) sau cuộc họp chiều 10-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những bất cập trong Luật Đất đai hiện hành cho dù có tới hàng trăm văn bản hướng dẫn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đây chính là nguyên nhân gây ra 70% số vụ khiếu kiện trên cả nước trong năm 2011.
Thực ra không chỉ Luật Đất đai tồn tại nhiều điểm bất cập mà ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đang có hiệu lực cũng có những bất cập. Có bất cập nảy sinh sau khi luật được thực thi một thời gian dài, song cũng có văn bản pháp quy lộ ra các điểm không phù hợp sau khi thực hiện không lâu. Thậm chí ngay sau khi mới có hiệu lực hơn một tháng như thuế bảo vệ môi trường đánh vào túi ni lông. Khi xây dựng luật này, cơ quan chủ quản đã không xem xét ý kiến của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, vì thế khái niệm về bao bì rất chung chung, rất khó tìm tiếng nói chung giữa đối tượng chịu thuế với ngành thuế.
Trong nhiều năm trở lại đây, không ít các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng kẽ hở để Luật Thuế "chơi trò" chuyển giá báo lỗ trong hoạt động kinh doanh nhằm trốn tránh thuế và phí cho dù doanh nghiệp làm ăn có lãi và còn mở rộng đầu tư. Luật Doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều khái niệm chung chung, các quy định thiếu cụ thể và rõ ràng, ví như: đại hội cổ đông, cho thuê doanh nghiệp, khai tử doanh nghiệp... Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thì nhiều điều khoản của quy chế biểu diễn nghệ thuật đã quá lỗi thời mà chính ông Chánh văn phòng và là người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL đã từng phải thừa nhận.
Vì sao hệ thống pháp luật của ta có nhiều bất cập? Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, phát biểu tại hội trường, đại biểu đoàn Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã chỉ ra nguyên nhân: "Thay vì làm các luật theo yêu cầu của đời sống thì Quốc hội làm theo sự chuẩn bị của cơ quan chức năng". Còn đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng: "Lẽ ra nếu dự thảo luật chuẩn bị kém thì nên dừng lại, chưa thảo luận và chưa thông qua, nhưng trong nhiều trường hợp Quốc hội vẫn làm, nhiều khi vẫn còn nể nang". Dù không phải là tất cả nhưng có bộ, ngành khi xây dựng dự thảo luật bao giờ cũng tìm cách tạo thuận lợi trong quản lý cho bộ, ngành họ, nên luật thiếu khách quan và khi đi vào cuộc sống là nảy sinh bất cập. Mặt khác, trong khi thảo luận tại Quốc hội không phải đại biểu nào cũng am hiểu sâu về lĩnh vực không phải chuyên môn của họ nên khó có thể đưa ra những ý kiến xác đáng.
Qua thực trạng trên, điều đáng nói là nếu luật có điều khoản bất cập, đặc biệt những luật liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích đất nước hay của người dân thì phải sửa ngay. Chậm sửa không chỉ gây khó khăn cho cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật mà còn đẩy đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật vào vòng lao lý. Chuyện xảy ra ở Tiên Lãng là bài học đắt giá cho việc đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.