Bất động sản

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam:Bảo đảm đồng bộ, hiệu quả khi đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

Đỗ Minh thực hiện 07/04/2024 06:52

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai hàng loạt công việc để bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả khi đưa luật vào cuộc sống, tạo động lực mới từ nguồn lực đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam xung quanh vấn đề này.

le-thanh-nam.jpg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam.

Chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện

- Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Đây là luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động tới nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết, Hà Nội đã và đang làm gì để khi luật vào cuộc sống có thể phát huy hiệu quả cao nhất, nhanh nhất?

- Luật Đất đai (sửa đổi) tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ là cơ sở pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, mà còn góp phần giải phóng nguồn lực đất đai, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với các sở: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và các quận, huyện, thị xã triển khai các bước chuẩn bị để thi hành. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nghiên cứu, xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố. Ngày 7-3-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cùng Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, lấy ý kiến bổ sung, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Mục đích của việc xây dựng, triển khai kế hoạch là nhằm kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện luật. Cùng với đó, kế hoạch cũng nhấn mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là các điểm mới, nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.

- Vậy, công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, thưa ông?

- Trong dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến luật.

Theo đó, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, chuyên sâu để tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đất đai; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đất đai. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh truyền thông, phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng ấn phẩm truyền thông, truyền thông đa phương tiện; các chương trình tọa đàm, diễn đàn đối thoại… Trước mắt, trong quý I và quý II-2024, thành phố thực hiện tuyên truyền, tập huấn phổ biến rộng rãi Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm kịp thời đưa luật vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực thi hành. Về lâu dài, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp từng đối tượng.

luat-dat-dai-sua-doi-co-n.jpg
Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới làm cơ sở pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất đai trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Quang Thái

- Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới rất quan trọng, vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải có những đổi mới cho phù hợp. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Trong đó, có nhiều điểm mới làm cơ sở pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất đai trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, vấn đề tuyên truyền sẽ tập trung vào các điểm mới, tháo gỡ những vướng mắc về quản lý đất đai tại Hà Nội hiện nay; nhất là những quy định về nguyên tắc phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất, quỹ phát triển đất và tổ chức phát triển quỹ đất…

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị truyền thông chính sách, tuyên truyền phổ biến về luật, đưa các điều khoản, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) vào thực thi, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Cùng với đó, Sở chú trọng tập huấn, quán triệt đến những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đất đai từ thành phố tới các địa phương; kiện toàn, sắp xếp bộ máy, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai phục vụ công tác định giá vào năm 2025, nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức thi hành luật.

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

- Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng có thể giải quyết những tồn đọng trong nhiều năm qua. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Như tôi đã trình bày ở trên, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, kỳ vọng tháo gỡ được những vướng mắc, điểm nghẽn về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển, quản lý quỹ đất; chế độ sử dụng đất; tài chính về đất, giá đất…, tạo động lực mới trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất đai để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) có 18 nội dung giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay theo đặc thù của từng địa phương.

- Với vai trò là cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho thành phố như thế nào để đưa luật vào đời sống một cách hiệu quả?

- Trong dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu thành phố phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp tham gia ý kiến xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành; các quy định thi hành Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố ban hành các quy định thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền.

Đó là các dự thảo: Quy định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội; quy định về phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần trên địa bàn thành phố; quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố; quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; quy định về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội; quy định về giá đất, tài chính đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội và các quy định khác thuộc thẩm quyền của UBND thành phố.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam: Bảo đảm đồng bộ, hiệu quả khi đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.