Xã hội

Luật Đất đai (sửa đổi):Gỡ vướng trong cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình

Bạch Thanh 18/03/2024 - 07:55

Trong thời gian qua, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ("sổ đỏ") cho hộ gia đình, cá nhân tại thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là với loại hình đất ở do ông cha để lại…

Với việc Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), những vướng mắc trong cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình sẽ được tháo gỡ.

so-do.jpg
Một số hộ dân thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cha ông để lại do không có giấy tờ.

Những bất cập cần khắc phục

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Luận ở xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) cho hay, gia đình bà có thửa đất rộng 304m2, do bố mẹ chồng (đã mất) để lại và đã chia cho các con sinh sống ổn định. Trong những năm qua, bà Luận đã nhiều lần đến UBND xã xin được hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục cấp "sổ đỏ" cho gia đình bà và các anh, em khác. Song, do vướng quy định áp hạn mức đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, nên chưa được xem xét.

Bà Luận mong muốn được cơ quan chức năng xem xét cấp "sổ đỏ" theo hiện trạng, áp dụng hạn mức đất ở theo nhân khẩu của các hộ gia đình hiện tại, chứ không phải của bố mẹ chồng đã qua đời. Bởi, nếu áp dụng phần ngoài hạn mức đất ở để làm được giấy chứng nhận, gia đình bà Luận và các anh, em phải nộp hàng tỷ đồng phần ngoài hạn mức. “Điều này hết sức phi lý, vì khi chúng tôi được bố mẹ phân chia, cho đất rõ vị trí, không tranh chấp từ khi lập gia đình, sử dụng ổn định từ những năm 1980 đến nay”, bà Luận nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) Phan Văn Toàn cho biết, không riêng trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Luận, hiện trên địa bàn xã còn hàng trăm trường hợp chưa được cấp "sổ đỏ" cũng liên quan đến nguồn gốc đất từ ông cha để lại. Năm 2023, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng cả xã cũng chỉ có 5 hộ dân được cấp giấy chứng nhận lần đầu. Nguyên nhân là do xã Bích Hòa nằm ở ven trục chính quốc lộ 21B, nên việc áp dụng bảng giá đất nhiều hộ ở mức cao. Các hộ dân có đất ở do ông cha để lại, hoặc đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, muốn làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở phải nộp thuế, phí lên tới cả tỷ đồng, khiến nhiều gia đình không có điều kiện hoàn thiện thủ tục.

Tương tự, ở các xã Đắc Sở, Yên Sở (huyện Hoài Đức), việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc cha ông để lại cũng gặp không ít khó khăn. Theo bà Hoàng Thị Hằng, cán bộ địa chính UBND xã Đắc Sở, đối với đất ông cha để lại, các hộ dân đều không đồng tình với việc áp dụng hạn mức 200m2 đất ở, mà đề nghị được cấp tất cả đất ở như đúng nguồn gốc đã có.

Trong khi đó, tại huyện Phú Xuyên, gia đình ông Đặng Văn Khoa (xã Phú Túc) cũng có thửa đất hơn 200m2 của ông cha để lại. Tuy nhiên, thửa đất này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, bản đồ đo đạc qua các thời kỳ cũng không thể hiện đầy đủ, khiến gia đình ông Khoa vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hướng dẫn thi hành cụ thể, dễ thực hiện

Giải quyết những bất cập này, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, cũng như đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đã có quy định cụ thể đối với đất ông cha để lại, các loại đất không có giấy tờ rõ ràng.

Theo đó, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với nhóm đất không có giấy tờ, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất sai thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở… của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18-12-1980; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18-12-1980 đến trước ngày 15-10-1993; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014.

Trường hợp thửa đất có nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng chung, thì hạn mức đất ở được tính bằng tổng hạn mức đất ở của các hộ gia đình, cá nhân đó. Việc áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương để xác định diện tích đất ở được thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm người sử dụng đất nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Cho rằng quy định mới sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh Huyền mong rằng các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cụ thể, dễ thực hiện, để các địa phương thuận lợi hơn trong thực thi pháp luật về đất đai.

Tương tự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Tú cũng rất mong chờ cấp có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn việc cấp "sổ đỏ" đối với những trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy tờ viết tay (do đất không có giấy tờ), nhưng nguồn gốc sử dụng đất ổn định, lâu dài và có trước ngày 1-7-2014, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai Mai Văn Phấn, thành viên Tổ Biên tập Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Số lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhóm hộ gia đình khá lớn, tồn đọng cũng không ít. Chính vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) đã làm rõ hơn trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân, dù họ có đơn hay không có đơn yêu cầu cấp "sổ đỏ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ vướng trong cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.