Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căn chỉnh hành vi

Đan Nhiễm| 28/02/2016 06:41

1. Có lẽ chưa bao giờ, câu chuyện về văn hóa ứng xử "nóng" đến như vậy. Bất cứ ở đâu, cũng có thể bắt gặp những hành vi "chướng tai gai mắt" được một bộ phận người dân vô tư thể hiện. Không ít người hoang mang lo lắng khi văn hóa ứng xử của người Hà Nội được tích tụ từ nghìn năm văn hiến đang rung lắc dữ dội.



Trong bối cảnh ấy, việc Hoàn Kiếm - quận trung tâm của Thủ đô, được gọi là "trái tim của trái tim" - đưa vào triển khai Đề án "Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ" là điều dễ hiểu. Mặt khác, gói trọn "36 phố phường" nơi lưu giữ hồn cốt của Kinh kỳ - Kẻ chợ, nơi khách quốc tế đến với bất kỳ lý do nào cũng khó có thể bỏ qua… nên việc Hoàn Kiếm triển khai đề án trên cũng cho thấy tính cấp bách của vấn đề. Qua gần 8 năm bền bỉ thực hiện, trên cơ sở cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, lấy cộng đồng dân cư làm chủ thể thực hiện đề án, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với nhắc nhở, xử phạt… đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Chuyện nói thách, xả rác ra vỉa hè, "cơm quát, cháo chửi", chèo kéo, "chặt chém"… đã dần được loại bỏ là cảm nhận của nhiều du khách khi đến với khu phố cổ.

Tuy vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp, nhưng có thể khẳng định rằng nếp sống văn minh đô thị tại các tụ điểm công cộng ở Hoàn Kiếm đã thay đổi rất nhiều, và nhiều giá trị mới đã được xác lập phù hợp với sự vận động và phát triển của thành phố. Mô hình xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh bắt đầu từ sự thay đổi trong cách ứng xử từ quận Hoàn Kiếm đang lan tỏa tới nhiều địa phương, thiết thực triển khai thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị".

2. Vẫn biết, văn hóa nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng cần có môi trường lành mạnh để hình thành và phát triển. Song, nhìn rộng ra trên thế giới, việc xây dựng những chuẩn mực về ứng xử nơi công cộng là cần thiết. Để ngăn chặn việc xả bã kẹo cao su bừa bãi nơi công cộng, Singapore dưới thời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã phải đưa ra hình thức phạt tiền, thậm chí là phạt lao động công ích, phạt tù nếu người vi phạm tái phạm. Thế nhưng phải mất đến 3 năm mới có thể loại bỏ việc xả bã kẹo cao su ở quốc đảo Sư tử, góp phần tạo dựng một Singapore sạch, đẹp như hôm nay.

Nói vậy để thấy, có những việc nếu để sự tự giác là điều không dễ nếu chính quyền không có những hành động quyết liệt, đặc biệt là việc xử phạt các hành vi "lệch chuẩn". Và, kim chỉ nam của quy tắc ứng xử phải là: Tôn trọng sự tự do lựa chọn của con người, nghĩa là mỗi cá nhân có quyền tự do lựa chọn cách ăn mặc, ứng xử… miễn là không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội. Ví dụ: Cá nhân có quyền hút thuốc lá nhưng khi hút ở nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến những người khác là không được phép. Với văn hóa ứng xử của người Hà Nội thì ngoài việc tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội, còn cần có sự tinh tế ứng xử để giữ gìn và phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến.

Để nâng cao văn hóa ứng xử trong xã hội, cần bắt đầu điều chỉnh từ thế hệ trẻ và gốc rễ phải là từ gia đình. Vì chỉ có gia đình mới là nơi trẻ học được những giá trị sống thật sự và những kỹ năng sống trong suốt cuộc đời. Các bậc phụ huynh trước hết phải làm gương, nếu bố mẹ vượt đèn đỏ khi chở con tới trường, không thể dạy con hành xử có văn hóa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Thực tế cho thấy, nếu giữ được nền nếp, giữ được lối ứng xử có văn hóa thì người trẻ sẽ có "sức đề kháng xã hội", có thể tự căn chỉnh hành vi và đủ bản lĩnh đối phó với cái xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căn chỉnh hành vi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.