Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hành văn hóa ứng xử ở chung cư

Mai Lâm| 10/06/2023 14:53

(HNMCT) - Một buổi sáng sớm nọ, vừa vén tấm rèm, chưa kịp mở cửa để đón làn không khí trong lành và ánh ban mai đầy năng lượng tích cực, tôi thấy một loạt băng rôn đỏ rực treo trên ban công các căn hộ tại chung cư đối diện. Nội dung trên các tấm băng rôn là yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng các nội dung khi hứa hẹn bán nhà như bảo đảm độ thoáng hành lang, trả lại bể bơi… Đó mới chỉ là một trong không ít vụ việc xảy ra ở các chung cư trên địa bàn thành phố, và cũng may là mới dừng lại ở khâu treo băng rôn, khẩu hiệu.

Có một thực tế là việc quản lý, vận hành nhà chung cư thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa được xử lý dứt điểm. Số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, khoảng 10% trong tổng số chung cư có xảy ra hiện tượng tranh chấp. Đáng nói là tại không ít chung cư, người dân thậm chí đã thức đêm để giành giật, canh giữ tầng hầm và các diện tích chung với chủ đầu tư. Có nơi, cư dân chặn xe ở lối ra vào, gây ảnh hưởng tới giao thông… Các vụ tranh chấp chủ yếu xoay quanh mối quan hệ giữa 4 bên: Cư dân - chủ đầu tư - ban quản trị - đơn vị vận hành chung cư. Trong đó, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư chiếm phần lớn và liên quan tới việc chậm bàn giao nhà, bàn giao quỹ bảo trì, “sổ hồng”, tranh chấp tầng hầm và diện tích tiện ích chung…

Chưa rõ đúng sai thế nào, nhưng rõ ràng tình trạng trên đã tạo nên bức tranh vô cùng phản cảm về nhà chung cư - mô hình nhà ở đô thị được cho là hiện đại, văn minh và gây bức xúc không chỉ cho những người trong cuộc. Tất nhiên, để giải quyết mâu thuẫn thì cần phải dựa trên các quy định của luật pháp, các điều khoản trong hợp đồng ký kết giữa các bên có liên quan. Nhưng đáng tiếc là cơ quan đứng ra làm trung gian hòa giải, phân định đúng sai dường như vẫn đang vắng bóng, trong khi chính quyền địa phương cũng không có đủ thẩm quyền và nhân lực để xử lý dứt điểm “điểm nóng” phát sinh tại địa bàn.

Để xử lý dứt điểm các khúc mắc, tranh chấp liên quan tới chung cư, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm đúng, trúng, khắc phục triệt để những bất cập trong quản lý, vận hành chung cư; phát huy vai trò quản lý của chính quyền địa phương… Tất nhiên, không dễ để có ngay một hành lang pháp lý chặt chẽ, cụ thể. Và, trên thực tế những năm qua đã có không ít quy định liên quan tới vấn đề này đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhưng khi áp dụng vào thực tiễn vẫn nảy sinh bất cập.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng, thực hiện các quy chế, quy định về văn hóa ứng xử tại các chung cư là điều vô cùng cần thiết để hạn chế tối đa những hành vi phản cảm, gây bức xúc. Cụ thể, việc giải quyết tranh chấp cần được thực hiện đúng theo các trình tự, thủ tục hành chính đã được quy định. Các cơ quan chức năng khi tiếp nhận đơn thư phải có hồi đáp, giải thích rõ ràng trong thời gian quy định. Khi không tìm được tiếng nói chung, các bên hoàn toàn có thể đưa vụ việc ra tòa án dân sự thay vì tìm cách gây sức ép một cách thiếu văn minh, gây ảnh hưởng tới cộng đồng.

Về phía các cư dân, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật, thiết nghĩ cũng cần thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử, trong đó có Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Làm tốt điều đó là góp phần giúp cho việc giải quyết những khúc mắc, bất đồng được thuận lợi hơn, đồng thời góp phần nâng tầm giá trị khu nhà mà mình và gia đình đang sinh sống, gắn bó. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hành văn hóa ứng xử ở chung cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.