Văn hóa

Lấy người dân làm trung tâm phục vụ, văn hóa ứng xử thành phản xạ tự nhiên

Hoàng Lân - Minh Ngọc 29/11/2023 - 21:02

Trao đổi về thực hiện văn hóa ứng xử tại tọa đàm về nội dung này do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với bên liên quan tổ chức ngày 29-11, nhiều ý kiến khẳng định, sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá hiệu quả công việc, là tiêu chí để nhận xét về thái độ ứng xử của mỗi cán bộ, công chức, viên chức... Vì thế, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội luôn lấy người dân làm đối tượng trung tâm để phục vụ.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân:
Thay đổi từ những việc nhỏ

ong-dan.jpg
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân.

Đối tượng chăm sóc, phục vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thuộc mọi độ tuổi, từ trẻ em khi mới sinh ra, cho đến người già lúc qua đời, trong đó có nhiều đối tượng yếu thế như người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, người nghèo… Khi giao tiếp với các đối tượng, chỉ cần một sơ suất nhỏ từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành cũng có thể khiến các đối tượng cảm thấy bị tổn thương hoặc thấy bản thân không được tôn trọng.

Thấu hiểu điều này, trong quá trình thực hiện văn hóa ứng xử, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đặc biệt nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu từ cấp sở, cấp phòng đến các đơn vị trực thuộc. Song hành với đó là việc phổ biến, quán triệt những quy tắc ứng xử cơ bản đến đông đảo người lao động.

Từ khung quy tắc chung, các phòng, ban, đơn vị đề ra những quy tắc riêng, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng mà ngành chăm sóc, phục vụ. Chẳng hạn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xây dựng văn hóa xếp hàng đối với người lao động đến giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ban phục vụ lễ tang Hà Nội chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang bằng cách tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân qua đời không rải tiền, vàng mã trên đường đi đưa tang…

Kiên trì thay đổi từ những việc nhỏ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội ngày càng tăng. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là đơn vị dẫn đầu khối sở, ngành của thành phố Hà Nội về Chỉ số cải cách hành chính…

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi:
Điểm đến Hoàng thành Thăng Long đẹp hơn trong mắt du khách

ba-thu(1).jpg
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi.

Không chỉ thực hiện chức năng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn có trách nhiệm đón tiếp, phục vụ khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm với vai trò là một điểm đến du lịch. Trong không gian của di sản văn hóa thế giới, chúng tôi không được phép có những hành vi ứng xử làm ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến di sản, vừa giúp những vị khách đến thấy vui, khách đi thấy hài lòng…

Nhằm bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố, chúng tôi lấy văn hóa ứng xử làm giải pháp kết nối. Cụ thể, chúng tôi treo quy tắc ứng xử nơi làm việc và nơi công cộng tại nhiều vị trí, yêu cầu tất cả đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm có trách nhiệm thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi còn có quy định riêng dành cho khách đến tham quan với những nội dung dễ hiểu, giúp họ biết rõ những việc họ có thể làm và không nên làm trong thời gian có mặt tại di sản…

Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với khách như hướng dẫn viên, bán vé, lực lượng an ninh…, chúng tôi càng chú trọng trang bị kỹ năng ứng xử, giao tiếp văn hóa cho họ. Những người có việc làm tốt, thái độ ứng xử văn minh sẽ được biểu dương, làm gương cho người khác.

Nhờ thực hiện tốt văn hóa ứng xử, điểm đến Hoàng thành Thăng Long ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách. Phấn đấu năm 2024, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đón tiếp khoảng 1 triệu lượt khách trong nước, nước ngoài.

Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Phượng:
Ứng xử văn hóa trở thành phản xạ tự nhiên

ba-phuong.jpg
Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Phượng.

Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn huyện Chương Mỹ quan tâm triển khai sâu rộng hai quy tắc ứng xử của thành phố cùng phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Đối tượng hướng đến là toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân với mục tiêu “nhận thức đúng để hành động đúng, ứng xử chuẩn mực”.

Trong quá trình thực hiện, như nhiều địa phương khác, các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ đặc biệt chú trọng nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu, biểu dương, khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào này.

Tuy nhiên, huyện Chương Mỹ có cách làm khác là “bêu tên” những tập thể, cá nhân có thái độ, hành vi ứng xử chưa tốt để mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, khắc phục ngay. Thực tế cho thấy, khi bị nhắc tên liên quan đến những gì chưa tốt, đa số đều thay đổi nhận thức, hướng tới những hành vi tốt đẹp hơn…

Theo thời gian, việc thực hiện văn hóa ứng xử nói chung, văn hóa công sở nói riêng dần trở thành phản xạ tự nhiên của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại công sở và người dân huyện Chương Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấy người dân làm trung tâm phục vụ, văn hóa ứng xử thành phản xạ tự nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.