(HNM) - Kể từ khi các nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G (cuối năm 2009), sau đó là 4G (năm 2016), đến tháng 1-2020, lần đầu tiên thuê bao dùng dữ liệu (data) chính thức vượt thuê bao dùng dịch vụ cơ bản (thoại, tin nhắn - còn gọi là 2G). Kết quả này cho thấy, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh tăng cao, đồng thời nhà mạng và người dùng cùng được hưởng lợi.
Số liệu cập nhật mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đến hết tháng 1-2020, cả nước có khoảng 64,5 triệu thuê bao data 3G, 4G và thuê bao 2G là 60,8 triệu. Đây là lần đầu tiên lượng thuê bao data đã vượt thuê bao 2G, tăng khoảng 3,8 triệu thuê bao. Trong khi đó, nếu như tháng 1-2019 lượng thuê bao 2G là 75,2 triệu - thuê bao data là 55,8 triệu; thì tháng 12-2019, khoảng cách trên đã giảm mạnh khi thuê bao 2G là 63,5 triệu và thuê bao 3G, 4G tăng lên là 62,5 triệu.
Theo Trưởng ban Khách hàng cá nhân (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) Nguyễn Thành Công, từ đầu năm đến nay, lưu lượng data của MobiFone tăng tới 60%, doanh thu tăng 25%. Sở dĩ thuê bao data tăng mạnh ngoài các yếu tố tăng trưởng thiết bị, nhu cầu người dùng, còn có nguyên nhân là do việc Chính phủ, các bộ, ngành đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công trực tuyến tới người dân.
Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển thị trường (Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone) Phạm Ngọc Tú thông tin, lưu lượng data của VinaPhone tăng hơn 40%. Trong số các lý do dẫn đến tăng trưởng data ngoài các yếu tố như xu hướng tiêu dùng thì không thể không kể đến việc do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nên người dùng chọn thực hiện giao dịch qua mạng tăng (gồm cả các hoạt động thương mại điện tử và học trực tuyến).
Ở góc độ khách hàng, chị Nguyễn Kim Dung, ở nhà T1 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) chia sẻ, các gói cước data hiện nay rất đa dạng, đặc biệt rất rẻ khi chỉ cần bỏ ra 120.000 đồng/tháng thuê bao được sử dụng tới 60 GB/tháng (2 GB/ngày) giúp người dùng thoải mái lựa chọn. Vừa qua, các con nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, chị Dung đã mua 2 sim data để các con học trực tuyến với giáo viên.
Tuy nhiên, trên thực tế, định nghĩa về thuê bao 3G, 4G đang có hai cách hiểu; đó là thuê bao 3G, 4G dùng máy điện thoại thông minh có gắn sim 3G, 4G và thuê bao 3G, 4G là phải phát sinh lưu lượng data. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tú cho rằng, VinaPhone hiện có hơn 70% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh gắn sim 3G, 4G, nhưng thực tế chỉ 70% có phát sinh lưu lượng data, trong đó còn khoảng 4 triệu thuê bao dùng điện thoại thông minh dùng sim 3G, 4G nhưng không phát sinh data. Đây là vấn đề mà tất cả các nước đều gặp phải: Có một lượng khách hàng nhất định không dùng gói cước data của nhà mạng mà chỉ dùng wifi.
Vì vậy, vấn đề tăng trưởng khách hàng dùng data, tăng lưu lượng data là một trong các giải pháp tăng trưởng của nhà mạng. Theo ông Nguyễn Thành Công, nhà mạng cần đẩy mạnh phát triển thuê bao data người dùng và thuê bao data với thiết bị. Với phát triển thuê bao thiết bị, cần đẩy mạnh ứng dụng IoT (vạn vật kết nối) với việc bán hàng thiết bị đầu cuối, công nghệ sim điện tử (e-sim). Với thuê bao data người dùng, ngoài nỗ lực của nhà mạng, cần sự tham gia của các bên.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Tú cho biết, tại các nhà mạng trong khu vực và thế giới, doanh thu từ data đang chiếm 50-70% tổng cơ cấu doanh thu di động. Ở Việt Nam, con số này vẫn chỉ ở mức trên dưới 30%. Do vậy, việc lần đầu tiên lượng thuê bao data tăng vượt so với thuê bao 2G là một tín hiệu tốt cho thấy sự phát triển phù hợp với xu hướng thế giới của thị trường viễn thông Việt Nam. Đồng thời, sự tăng trưởng thuê bao data cũng giúp các nhà mạng bù đắp được một phần những khó khăn từ việc dịch vụ cơ bản thoại, tin nhắn đang giảm mạnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.