(HNM) - Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài đã tác động nặng nề đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, từ nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh phục hồi kinh tế - xã hội với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, thành phố Hà Nội đã đạt được mục tiêu tổng quát, thể hiện qua các kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Tuy nhiên, có 4 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế không hoàn thành, nhất là tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ đạt 2,92% (kế hoạch đề ra là 7,5%).
Trước tình hình trên, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 21-3-2022 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm năm 2021. Trong đó, nêu rõ chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 là 7-7,5%; GRDP bình quân đạt 139-141 triệu đồng/người; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%.
Để đạt được mục tiêu trên, điều cần thiết nhất trong lúc này là các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 1-11-2021 của UBND thành phố về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV-2021 và các năm 2022, 2023; bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về vấn đề này.
Trước mắt, cần không ngừng thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn thành phố; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, trong năm phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển mới 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi; thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở bảo mật, an toàn thông tin; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng internet.
Các đơn vị, địa phương phải tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Năm 2022, phấn đấu thành lập mới 10-15 cụm công nghiệp; khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp; tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng và sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp.
Song hành với nhiệm vụ trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử miễn phí. Tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp...
Những giải pháp trên cũng phải thực hiện đồng bộ với các biện pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); rà soát nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng kinh tế - xã hội Thủ đô 3 tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khả quan, nổi bật là GRDP tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là bước đà quan trọng để thành phố Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.