Công nghệ

Bước chuyển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Hồng Sơn 28/10/2023 15:18

Sáng 28-10, lễ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp Khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2203) diễn ra tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội).

thu-tuong-281023-1a.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. - Ảnh: Dương Giang (TTXVN)

NIC - Nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC phối hợp các đối tác tổ chức, đã ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại Lễ khánh thành NIC Hòa Lạc và khai trương VIIE 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, NIC sở hữu những điểm khác biệt riêng, là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ, phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế đặc thù…

“Những nét đặc trưng này được kỳ vọng sẽ biến Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia thành hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá vươn lên.

Trung tâm không chỉ kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước mà còn kết nối với mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

NIC là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Cơ sở hạ tầng hiện đại và không gian rộng lớn sẽ giúp NIC phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Cũng trong sáng nay, Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE) 2023 chính thức khai mạc. Triển lãm diễn ra trong 5 ngày, từ 28-10 đến 1-11 với mục tiêu tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu.

thu-tuong-pham-minh-chinh-phat-bieu-tai-su-kien.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Có hơn 200 gian hàng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của Việt Nam như: Viettel, VNPT, Sovico, Masan, Becamex, VinFast, CT Group, Mobifone; các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, Signify, John Cokerill và các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu... góp mặt tại Triển lãm.

Triển lãm sẽ tạo ra sự tương tác và kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng và khám phá năng lực đổi mới sáng tạo, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tiềm năng. Triển lãm năm nay có chủ đề “Hội tụ - Sáng tạo - Lan tỏa” mang ý nghĩa hội tụ các chủ thể, các nguồn lực, các ý tưởng đổi mới sáng tạo; kết nối, hợp tác và sáng tạo ra các công nghệ, giải pháp, sản phẩm mới, đột phá và có giá trị cao. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao vị thế và vai trò của mình trên bản đồ đổi mới sáng tạo khu vực và trên thế giới.

Các gian hàng giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến thuộc 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC bao gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen và công nghệ y tế, cho tới những khu trải nghiệm công nghệ hiện đại đa giác quan.

thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-gian-hang-cua-cong-ty-phygital-labs.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng của Công ty Phygital Labs.

Tại sự kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Meta đã trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cho 12 giải pháp tiêu biểu và vinh danh Top 4 giải pháp xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam được phát động từ tháng 10-2022. Top 4 giải pháp gồm nền tảng chuyển đổi số (oneSME) của VNPT; tự động hóa quy trình với trợ lý ảo (FPT akaBot) của FPT IS; nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất (MISA AMIS) của MISA và tiết kiệm năng lượng của Benkon.

NIC cũng ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Google, Samsung, SpaceX, Intel, Cadence, VinaCapital, Southeast Impact Alliance, VNPT, FPT, Tresemi về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, tăng cường nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn. Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động như Hội thảo chuyên ngành về hydrogen, bán dẫn, công nghệ y tế, game và thi đấu esport; diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam…

Doanh nghiệp, người dân - Trọng tâm của đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện “2 trong 1” rất quan trọng và ý nghĩa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đánh dấu một bước trưởng thành mới của NIC. Đảng, Nhà nước ta đã sớm quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo xuyên suốt qua các thời kỳ về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, với quan điểm coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tuy đã có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.

"Chúng ta không thể không băn khoăn, trăn trở và có trách nhiệm khi chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động còn chưa cao", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, cần nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những cơ chế thử nghiệm, đặc thù cho các đối tượng, lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới.

Thứ hai, xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen xanh, y tế, giáo dục, trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực.

Thứ ba, phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, gồm khối doanh nghiệp, tập đoàn lớn; khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo; khối viện nghiên cứu, trường đại học; khối tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, các vườn ươm đổi mới sáng tạo…

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ... trong đó nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, sớm triển khai công tác vận hành, thu hút các đối tác đầu tư, xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển tại cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Thứ sáu, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng tích cực, chủ động phối hợp để triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó luôn đặt doanh nghiệp - người dân là trọng tâm của đổi mới sáng tạo…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.