Khoa học - Công nghệ

Cần phân loại cụ thể để quản lý hiệu quả tài sản số

Tiến Thành 09/05/2025 - 19:02

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phân loại cụ thể trong Luật Công nghiệp công nghệ số để quản lý hiệu quả tài sản số.

Chiều 9-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

cns-2.jpg
Quang cảnh phiên họp chiều 9-5. Ảnh: media.quochoi.vn

Quản lý hệ thống AI rủi ro cao

Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật đã quy định về AI theo hướng thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI vào cuộc sống; quản lý rủi ro và lấy con người làm trung tâm; quy định quản lý đối với hệ thống AI rủi ro cao, hệ thống tác động lớn và không đặt yêu cầu quản lý đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo không rủi ro cao và giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp thực tiễn quản lý ngành, lĩnh vực.

“Nguyên tắc quản lý rủi ro này được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về Chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI nhằm thúc đẩy, phát triển và ứng dụng AI hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm trong các ngành, lĩnh vực”, ông Lê Quang Huy nói.

cns-4.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Về ý kiến đề nghị cần có quy định sở hữu trí tuệ đối với AI, ông Lê Quang Huy cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam quy định quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể thuộc về tổ chức, cá nhân (con người) sở hữu hoặc trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, sáng chế… chứ không áp dụng đối với AI. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về vấn đề nêu trên trong Luật Sở hữu trí tuệ vào thời điểm phù hợp.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn một số nội dung cốt lõi trong quản lý nhà nước về tài sản số và giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, quản lý đối với tài sản số trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với điều kiện thực tiễn.

cns-3.jpg
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Cần phân biệt rõ các nhóm tài sản số

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các hệ thống AI có rủi ro cao hoặc tác động rộng lớn phải được đánh giá và thẩm định bởi các tổ chức kiểm định độc lập được nhà nước chỉ định, trước khi được triển khai nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Liên quan đến tài sản số, đại biểu Trịnh Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung quy định về “tính độc nhất hoặc có thể thay thế” bởi đây là tính chất quan trọng của tài sản số, ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch và sử dụng tài sản số. “Tính độc nhất tạo ra sự khan hiếm và giá trị riêng biệt cho từng loại tài sản số. Tính có thể thay thế cho phép dễ dàng trao đổi và sử dụng tài sản số như một đơn vị tiền tệ, tạo ra tính thanh khoản và thúc đẩy các giao dịch thương mại”, đại biểu nói.

cns-5.jpg
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) lưu ý vấn đề tiêu chí phân loại tài sản số trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý và chưa rõ ràng. “Chúng ta chỉ nói tài sản ảo chung chung rồi phân biệt bằng cách xác định tài sản có thể dùng để trao đổi, đầu tư thì tôi cho rằng việc thực thi sẽ gặp khó khăn”, đại biểu nói và cho rằng cần căn cứ vào tiêu chí kỹ thuật để phân biệt 3 nhóm tài sản số, gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác, từ đó đưa ra tiêu chí quản lý phù hợp.

Còn đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung quy định phân loại cụ thể về tài sản số, gồm: Dữ liệu số có thể định danh cá nhân gắn với quyền riêng tư được điều chỉnh bởi pháp luật về dữ liệu cá nhân; dữ liệu phi cá nhân, không gắn danh tính con người, có thể chia sẻ, lưu trữ, kinh doanh; phần mềm thương mại, mã nguồn mở; nội dung số có tính chất sở hữu trí tuệ, có thể định giá được…

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phân loại cụ thể để quản lý hiệu quả tài sản số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.