Dự án “Đô thị thông minh - giải pháp phát triển đô thị bền vững” (SUA) vừa thực hiện thành công tại Hà Nội là dự án đại diện cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Đức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1975 – 23/9/2025).
Sáng 6-5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kỹ thuật Dortmund (Đức) cùng Tập đoàn WILO (Đức), Trung tâm Nghiên cứu Giám sát và Mô phỏng Môi trường (CEMM) và Tập đoàn Vingroup/Vinhomes tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Đô thị thông minh - giải pháp phát triển đô thị bền vững” (SUA) trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến xuất khẩu môi trường của Bộ Môi trường Cộng hòa Liên bang Đức.
Mục tiêu của dự án là theo dõi và thử nghiệm khoa học các biện pháp thích ứng với biến đổi khi hậu và tiết kiệm năng lượng mới tại Việt Nam thông qua việc triển khai các công nghệ thông minh, phép đo cảm biến và sử dụng bản sao tòa nhà kỹ thuật số.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, Dự án “Đô thị thông minh - giải pháp phát triển đô thị bền vững” (Smart Urban Areas - SUA) là cột mốc quan trọng đánh dấu 3 năm hợp tác thành công giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học hàng đầu của Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Với nguồn tài trợ gần 2 triệu EUR từ Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Đức (BMUV), Dự án “Đô thị thông minh - giải pháp phát triển đô thị bền vững” là kết quả tiêu biểu về hợp tác giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết những thách thức cấp bách của đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu và nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa CO2.
Theo ông Vũ Quốc Huy, sau 3 năm triển khai đúng tiến độ đã đề ra, Dự án SUA đã đạt được những kết quả đột phá, mang tính tiên phong. Lần đầu tiên, bản sao kỹ thuật số (digital twin) được triển khai để tối ưu hóa quản lý tòa nhà, từ việc sử dụng bơm hiệu suất cao của Wilo cho hệ thống tưới tiêu đến kỹ thuật phủ xanh tường và mái nhà, tái sử dụng nước mưa hiệu quả. Đáng chú ý, mái xanh tại tòa tháp Tonkin 2, Vinhomes Smart City, được thiết kế theo phương pháp Akira Miyawaki, đã tạo ra một “khu rừng lửng” thúc đẩy đa dạng sinh học, thu hút chim tự nhiên làm tổ chỉ sau 8 tháng. Hệ thống cảm biến thời tiết DAVIS Instruments và mạng LoRaWAN quy mô lớn lần đầu tiên được áp dụng tại một tòa nhà 40 tầng, cung cấp dữ liệu giá trị về tương tác giữa tòa nhà và vi khí hậu. Những thành tựu này không chỉ thể hiện sự đổi mới công nghệ mà còn là mô hình thực tiễn xuất sắc, có tiềm năng chuyển giao cho các thành phố trên thế giới.
Ông Vũ Quốc Huy bày tỏ mong muốn nhóm dự án SUA tiếp tục chia sẻ các kết quả, kinh nghiệm thực tiễn và đánh giá chuyên sâu từ các chuyên gia. Những tài liệu này sẽ là nguồn tham khảo quý báu, giúp các dự án liên quan tại Việt Nam học hỏi, phát triển. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ hỗ trợ việc lan tỏa kiến thức từ dự án này thông qua các nền tảng kết nối, chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy các giải pháp đô thị thông minh trên quy mô lớn hơn.
Tại hội nghị, GS.TSKH Nguyễn Xuân Thính (Đại học Kỹ thuật Dortmund), Giám đốc dự án Đô thị thông minh (SUA) và các nhà khoa học Đức đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như giới thiệu công nghệ xây dựng tòa tháp thông minh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, khí hậu (bao gồm xây dựng bản sao kỹ thuật số cho tòa nhà, lắp đặt hệ thống cảm biến thông minh IoT, công nghệ bơm thông minh của tập đoàn WILO, công nghệ phủ mái nhà xanh, tường xanh, thiết bị tái sử dụng nước mưa, nước xám) trên tòa tháp 40 tầng của Vinhomes Smart City tại Hà Nội.
Bắt nguồn từ sự kiện Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018, dự án “Đô thị thông minh - giải pháp phát triển đô thị bền vững” là một trong các hoạt động cụ thể nhằm triển khai chương trình hợp tác toàn diện giữa Đức và Việt Nam, góp phần đẩy mạnh và thắt chặt hợp tác trên các lĩnh vực mới như: Ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh... giữa hai nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.