Trao đổi cùng phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội khẳng định thông điệp mà Hiệp hội gửi cộng đồng doanh nghiệp lúc này rõ ràng hơn khi nào hết.
Đó là Nghị quyết số 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã mở “đường băng” thể chế. Nhiệm vụ của doanh nhân là tăng tốc cất cánh, minh bạch, sáng tạo, liên kết, cùng xây dựng khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Chủ động song hành, không thụ động trông chờ
- Ngày 4-5-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm ký Nghị quyết số 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều quan điểm, mục tiêu đột phá. Xin ông cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đón nhận nghị quyết này với tâm thế và kỳ vọng ra sao?
- Ngay sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã họp khẩn để quán triệt tinh thần mới. Các thành viên của Hiệp hội đều phấn khởi vì lần đầu Đảng xác lập khu vực tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, không chỉ là “một trong những” như Nghị quyết số 10-NQ/TƯ cách đây 7 năm. Cụm từ ấy khẳng định vị thế doanh nhân, xóa bỏ định kiến lịch sử và trao thông điệp “chủ thể trung tâm” cho cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp kỳ vọng vào những mục tiêu định lượng mạnh: Đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55-58% GDP (Tổng sản phẩm nội địa), năng suất lao động tăng 8,5-9,5%/năm; tầm nhìn đến năm 2045 vượt 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP. Những con số này giúp doanh nhân hình dung rõ “vạch đích” để cùng Chính phủ đo lường tiến độ.
Chúng tôi cũng tin tưởng vào thông điệp “song hành xanh số”. Nghị quyết yêu cầu khu vực tư nhân trở thành lực lượng tiên phong về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, phấn đấu lọt tốp 3 ASEAN, tốp 5 châu Á về công nghệ trước năm 2030. Điều này mở ra dư địa chính sách ưu tiên về thuế, tín dụng xanh, sandbox công nghệ.
- Sau những cảm xúc phấn khởi, kỳ vọng và tin tưởng nêu trên, các thành viên Hiệp hội có những cam kết đồng hành như thế nào để góp phần biến các mục tiêu mà Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đề ra thành hiện thực?
- Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp Thủ đô, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ giống như “lệnh khởi hành” cho một chặng đua mới. Thay vì chỉ chờ ưu đãi, cộng đồng doanh nghiệp xác định ba cam kết đồng hành. Thứ nhất, chúng tôi minh bạch quản trị, tự nguyện áp dụng IFRS for SMEs (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ), báo cáo ESG (báo cáo công bố thông tin về các yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp theo tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị); đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) tối thiểu 2-3% doanh thu cho công nghệ, năng lượng tái tạo và liên kết chuỗi giá trị. Hiệp hội sẽ hình thành 10 cụm ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp xanh, logistics thân thiện môi trường trước năm 2028.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội sẽ ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2025-2030 bám sát Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, trong đó có các hành động cụ thể như mở Trung tâm Hỗ trợ IFRS & ESG (dự kiến vào quý III-2025); thành lập Quỹ Đổi mới và Chuyển đổi xanh 1.000 tỷ đồng (song hành Quỹ Bảo lãnh tín dụng); tổ chức chuỗi 12 diễn đàn “Vốn xanh - Số hóa” hằng năm để kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với ngân hàng, nhà đầu tư.
Tâm thế mới của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội là chủ động song hành, không thụ động trông chờ, đúng tinh thần “doanh nhân là chiến sĩ kinh tế” mà nghị quyết nhấn mạnh.
“Trục xoay” giúp giải bài toán chi phí vốn
- Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 68-NQ/TƯ là đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân… Các chính sách này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội trong bối cảnh hiện nay?
- Nghị quyết yêu cầu “ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại” và phát triển tín dụng xanh, tín dụng chuỗi cung ứng, cho vay dựa trên dòng tiền - tài sản vô hình. Điều này mở lối cho mô hình chấm điểm tín dụng số, giảm lệ thuộc tài sản thế chấp, phù hợp đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, với 65% là doanh nghiệp dịch vụ, công nghệ có ít tài sản hữu hình.
Về chủ trương giảm chi phí vốn, Nghị quyết cho phép hỗ trợ lãi suất đối với các dự án xanh, tuần hoàn; mở đường “tái bảo lãnh” để ngân hàng giảm hệ số rủi ro, từ đó hạ lãi vay. Trong bối cảnh lãi suất thương mại bình quân còn cao hơn lạm phát 3-3,5 điểm %, biện pháp này rất thiết thực.
- Vậy thực trạng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay ra sao, thưa ông?
- Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt khoảng 6,91 triệu tỷ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% tổng dư nợ.
Dù con số dư nợ tăng 10,7% so với năm 2023, khoảng trống tài chính ước 24 tỷ USD vẫn tồn tại do 31.773 doanh nghiệp nhỏ và vừa có điểm rủi ro thấp nhưng chưa được vay vốn. Rào cản chủ yếu do tài sản thế chấp hạn hẹp. 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp dịch vụ, tài sản chính là hợp đồng, dữ liệu khách hàng… chưa được ngân hàng định giá.
Ngoài ra, chi phí tuân thủ cao, hồ sơ vay mất trung bình 4-6 tuần, chi phí kiểm toán 80-120 triệu đồng/năm, là gánh nặng với doanh nghiệp dưới 20 tỷ đồng vốn.
Bên cạnh những rào cản chủ yếu trên, cũng có những dấu hiệu tích cực như: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng “mở rộng tín dụng số”, dùng phân tích dữ liệu lớn để thẩm định phương án kinh doanh. Hà Nội thí điểm cơ sở dữ liệu kết nối thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội.
Tóm lại, chính sách ưu tiên tín dụng trong Nghị quyết số 68-NQ/TƯ có ý nghĩa như “trục xoay” để chuyển mô hình cho vay từ “thế chấp - kiểm soát” sang “dữ liệu - đồng hành”, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội giải bài toán chi phí vốn, đồng thời thúc đẩy ngân hàng - FinTech liên kết sâu hơn.
- Nghị quyết cũng đặt ra vấn đề hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh. Về nội dung này, Hiệp hội có những đề xuất, kiến nghị cụ thể gì?
- Từ thực tiễn Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 50/2024/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Quyết định số 206/2006/QĐ-UBND ngày 24-11-2006 ban hành Quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố khiến Quỹ Bảo lãnh tín dụng tạm gián đoạn, Hiệp hội đề xuất 5 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, cần tái lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng Hà Nội theo mô hình công ty TNHH 2 thành viên, gồm UBND thành phố và Hiệp hội góp 30% vốn, nhằm tăng tính tự chủ quản trị, chia sẻ rủi ro công - tư. Dự kiến vào quý III-2025 sẽ hoàn tất Đề án gửi HĐND thành phố xem xét, thông qua. Quỹ dự kiến có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng gồm 500 tỷ đồng ngân sách, 350 tỷ đồng góp từ các doanh nghiệp lớn và 350 tỷ đồng trái phiếu địa phương xanh.
Thứ hai, xây dựng “Cửa sổ bảo lãnh xanh - số”, bảo lãnh tối đa 80% giá trị khoản vay cho dự án tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi số, có báo cáo đo lường ESG. Sẽ thí điểm 100 dự án trong năm 2026 với dư nợ bảo lãnh 3.000 tỷ đồng.
Thứ ba, áp dụng chấm điểm tín nhiệm số và đồng bảo lãnh; kết nối cơ sở dữ liệu thuế, hải quan, POS, e-invoice. Doanh nghiệp có điểm A trở lên được giảm 30% phí bảo lãnh tín dụng ký biên bản ghi nhớ (MoU) với 3 công ty FinTech - FiinGroup, NAPAS Data, MISA - trong 2025.
Thứ tư, cơ chế “bảo lãnh ngược” với doanh nghiệp dẫn dắt, doanh nghiệp FDI và tập đoàn trong nước như Samsung, VinFast, T&T… đứng ra bảo lãnh chuỗi cung ứng cấp 2-3, Quỹ Bảo lãnh tín dụng tái bảo lãnh 50-60% phần rủi ro Hà Nội ký thí điểm cùng Samsung Việt Nam cho 50 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn 2026-2027.
Cuối cùng, Quỹ dự phòng rủi ro và bảo hiểm bảo lãnh tín dụng trích 15% phí bảo lãnh vào quỹ dự phòng, mua bảo hiểm rủi ro 30 tỷ đồng/năm với Tổng công ty Bảo hiểm PVI. Việc này áp dụng ngay khi Quỹ vận hành.
Các kiến nghị này dựa trên khuyến nghị của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và kinh nghiệm các quỹ tại Nhật (JFC), Hàn Quốc (KODIT). Mục tiêu là nâng tỷ lệ doanh nghiệp Hà Nội được bảo lãnh từ dưới 2% hiện nay lên 10% vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu 55-58% GDP mà Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đề ra.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.