Với “thâm niên” 20 năm làm công tác phụ nữ, chị Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đã tâm huyết, sáng tạo cùng với đội ngũ cán bộ hội vận động hội viên thực hiện phong trào Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đau đáu với suy nghĩ “làm thế nào để phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc?”, chị Ngọc đã quyết tâm khôi phục, lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn.
"Muốn xây nhà lớn thì phải làm móng chắc"
Xuất phát từ niềm tự hào với vốn văn hóa dân tộc, chị Bùi Thị Ngọc (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân) đã chủ động cùng các cán bộ, hội viên của Hội tổ chức, đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, đặc biệt là trang phục dân tộc, trên địa bàn xã Tiến Xuân.
"Từ năm 2018, tôi ấp ủ ý tưởng khôi phục văn hóa dân tộc Mường. Khi đó, chị em phụ nữ ở Tiến Xuân rất ít khi mặc trang phục dân tộc Mường trong các sự kiện, lễ hội... Nhưng riêng tôi, khi đi dự hội nghị ở thôn, xã, cấp trên và các sự kiện lớn, tôi đều mặc trang phục dân tộc Mường" - chị Bùi Thị Ngọc chia sẻ.
Với suy nghĩ “muốn xây nhà lớn thì phải làm móng chắc”, ban đầu chị Ngọc tích cực mặc trang phục dân tộc Mường, tiến tới lan tỏa nét văn hóa này, khuyến khích các hội viên khác cùng mặc. Đến năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân đã mạnh dạn đăng ký và được Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể xã và nhân dân ủng hộ triển khai thực hiện "Mô hình dân vận khéo trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã Tiến Xuân".
Chị Ngọc khẳng định: Trải qua bao thế hệ, trang phục của phụ nữ dân tộc Mường vẫn được truyền lại đến ngày nay. Bộ trang phục với chiếc váy đen bó sát thân, cạp hoa văn khoe trước ngực, chiếc áo cóm lửng và yếm mặc bên trong, thắt lưng cùng xà tích, vòng cổ lóng lánh, khăn trắng đội đầu, bộ trang phục mang sắc thái riêng qua đường nét cắt may, qua sắc màu trang trí, làm cho phụ nữ Mường vốn xinh đẹp lại càng lộng lẫy như cánh hoa rừng mới nở đón mùa xuân.
Nét đặc sắc của áo nữ dân tộc Mường là được may bó sát thân, khi mặc vừa chớm eo để khoe vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Cạp váy chính là biểu tượng đẹp nhất, chiếm vị trí quan trọng nhất trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường, với các họa tiết trang trí phong phú, thể hiện sự khéo léo, tinh tế, sáng tạo của người phụ nữ. Phần trên của cạp váy được gọi là ram trên, với các họa tiết hoa văn khác nhau hết sức cầu kỳ, tinh xảo, không lệ thuộc vào các mẫu có sẵn, chủ yếu được thêu dệt hình long phượng và có ảnh hưởng của văn hóa trống đồng Đông Sơn. Phần dưới được gọi là ram dưới, được ngăn cách với ram trên bằng hoa văn vạch song song, có các hoa văn dích dắc bằng sợi chỉ xanh tím, đen đỏ xen kẽ trải ngang thân váy. Phần dưới của cạp váy được gọi là cao, hoa văn chủ yếu là các sọc màu nối liền thân với các họa tiết hài hòa về màu sắc. Kết hợp với váy, áo, khăn trắng đội đầu, vòng bạc đeo cổ, đeo tay, thì bộ xà tích bằng bạc là phần không thể thiếu trong bộ trang phục nữ dân tộc Mường.
Nét đẹp, sự duyên dáng của trang phục nữ dân tộc Mường đã thực sự cuốn hút các chị em, phụ nữ xã Tiến Xuân. Đến nay, gần 100% cán bộ hội viên phụ nữ xã Tiến Xuân có trang phục dân tộc Mường và được các chị em mặc trong những ngày kỷ niệm, ngày lễ, hội nghị, tết, đám cưới...
Chị Quách Thị Luyến, hội viên Chi hội phụ nữ thôn 6 chia sẻ: "Nhờ chị Ngọc và các cán bộ Hội tuyên truyền, vận động, mà các chị em hội viên ở thôn và nhiều bà, nhiều cô lớn tuổi trong xã đã hiểu hơn ý nghĩa, nét duyên dáng khi mặc trang phục nữ dân tộc Mường. Giờ đây chị em chúng tôi hầu như ai cũng có ít nhất 1 bộ, mặc vào dịp ngày lễ, tết, đám cưới, dự hội nghị, tham gia biểu diễn văn nghệ... và thấy tự hào vì trang phục làm chúng tôi đẹp hơn, duyên dáng hơn...".
Nối dài những ngày hội văn hóa Mường
Đầu năm 2023, chị Bùi Thị Ngọc tiếp tục xây dựng kịch bản chương trình Ngày hội văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường xã Tiến Xuân, qua đó nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết hội viên phụ nữ, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Tại hội thi có các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ...; biểu diễn trang phục nữ dân tộc Mường; giao lưu văn hóa văn nghệ đặc sắc. Đặc biệt, màn đồng diễn múa hát "Lời chiêng", hòa tấu chiêng Mường, múa vũ điệu kết đoàn với sự tham gia của hơn 300 hội viên phụ nữ đến từ các thôn, các trường học trên địa bàn xã.
Một nét đặc sắc ở hội thi và được người dân, du khách đặc biệt quan tâm, đó là cuộc thi gian hàng văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường. Tại đây, có 8 đội của các thôn và trường học tham gia, mỗi đội mang đến hội thi từ 30 - 70 món ăn đặc sắc, trưng bày những vật dụng riêng có của người dân tộc Mường, ít người biết đến, hoặc nhiều món đặc sản theo mùa như bọ xít, muồm muỗm rừng, dế mèn rang, ve sầu rang lá lốt, chả trứng kiến rừng, cua rang lá lốt, rau rừng...
Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa thông tin: Ngày hội văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường xã Tiến Xuân năm 2023 đã thành công ngoài sự mong đợi, thu hút hơn 5.000 lượt người dân trong và ngoài địa phương tham gia và mong muốn ngày hội tiếp tục được tổ chức thường niên. Do đó, chương trình Ngày hội văn hóa dân tộc Mường xã Tiến Xuân đã được đưa vào nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân xã, ấn định thời gian tổ chức vào các ngày 17 và 18 tháng Giêng hằng năm. Số thành viên tham gia đồng diễn múa hát "Lời chiêng", hòa tấu chiêng Mường, vũ điệu kết đoàn trong ngày hội các năm 2024 - 2025 lên tới 500 người".
Ông Nghĩa cho biết thêm: Ngày hội văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường xã Tiến Xuân không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân mới, mà còn khơi dậy, lưu giữ, quảng bá những nét đẹp văn hóa đời sống, ẩm thực, bản sắc của dân tộc, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, nông sản của xã Tiến Xuân tới cộng đồng và du khách thập phương.
"Mô hình dân vận khéo trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã Tiến Xuân" của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân đã được biên soạn trong cuốn sách "Dân vận khéo trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" của Thành phố.
Đặc biệt, Ngày hội văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường xã Tiến Xuân năm 2025 còn được chị Bùi Thị Ngọc và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục đổi mới nhằm khơi dậy, lưu giữ những nét văn hóa, bản sắc riêng của dân tộc Mường đã có từ xa xưa như màn tái hiện đặc sắc về đám cưới người dân tộc Mường...
Chị Bùi Thị Ngọc chia sẻ: "Bài hát “Lời chiêng” có câu “cây vững gốc cho muôn cành xanh lộc” đã trở thành động lực để tôi quyết tâm lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Mường trong cộng đồng".
Hiện nay, trên địa bàn xã Tiến Xuân có 7 câu lạc bộ cồng chiêng ở 7 thôn dân cư, với tổng số 300 hội viên, mỗi thôn có từ 2 - 4 bộ chiêng Mường. Các câu lạc bộ cồng chiêng của Tiến Xuân thường xuyên tập luyện và tham gia biểu diễn trong những ngày lễ, hội nghị trong thôn và xã tổ chức với nhiều tiết mục phong phú, đậm bản sắc dân tộc.
Những nỗ lực của chị Bùi Thị Ngọc và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân đã và đang góp phần tích cực nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tới mỗi cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn xã trong thực hiện hiệu quả công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.