(HNM) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có nhiều tiến bộ so với giai đoạn 5 năm trước, tự tin hơn trong hội nhập, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là những đánh giá được đưa ra tại hội thảo công bố kết quả điều tra DNNVV năm 2015, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 9-11.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của CIEM, giai đoạn từ năm 2013-2015 đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong hoạt động của doanh nghiệp (DN) so với 5 năm trước. Trong đó, số lượng DN mới thành lập gia tăng, hoạt động theo hướng đa dạng và tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua, tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường là 8,2%/năm, thấp hơn hẳn so với mức trung bình của giai đoạn trước, cho thấy sức sống của DN nói chung được nâng lên một bước. Ngoài ra, tổng số việc làm cũng tăng 5,2%, góp phần bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động và an sinh xã hội. Theo CIEM, sở dĩ "bức tranh" DN sáng sủa hơn là nhờ những nỗ lực liên tục, nhất quán về chính sách hỗ trợ DN; nhất là sự ra đời, đi vào cuộc sống của Luật Đầu tư và Luật DN.
Tuy nhiên, hầu hết DNNVV vẫn bộc lộ những điểm yếu như thời gian trước. Đó là tình trạng nhỏ bé về quy mô, mức độ ứng dụng công nghệ hiện đại thấp, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp; từ đó dẫn đến sức cạnh tranh hạn chế. Theo Tiến sĩ Neda Trifkovic (Đại học Liên hợp quốc), một số DN không có hoặc không đủ tài sản thế chấp, số khác lại nặng tâm lý không muốn mắc nợ, do lãi suất chưa hợp lý, thủ tục phức tạp… Để đáp ứng nhu cầu về vốn, đã có 35% số DN vay vốn từ nguồn phi chính thức để sản xuất, kinh doanh. Những yếu kém này khiến DNNVV gặp nhiều khó khăn khi phải đối diện những thách thức phát sinh trên thương trường.
Các chuyên gia cũng cho biết, các DN chuyên môn hóa, tập trung vào một ngành hàng thường có hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao hơn so với DN đa dạng hóa. Thực tế này cũng phù hợp với định hướng phát triển theo hướng chuyên sâu, “nhất nghệ tinh” trong bối cảnh hội nhập đối với DN quy mô nhỏ và vừa để len chân vào phân khúc thị trường phù hợp nhất. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, sự cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh là yêu cầu bắt buộc, liên tục; và thực tế số lượng DN đăng ký thành lập mới từ đầu năm 2016 đến hiện tại gia tăng là sự kế thừa diễn biến tích cực từ năm 2015. Đây cũng là yếu tố quyết định "bức tranh" DN, hướng tới mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.
Cũng từ những tồn tại mà DNNVV phải đối mặt trong năm 2015, cơ quan quản lý cũng như cộng đồng DN đã soi chiếu, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn trong tương lai gần. Điều đáng mừng là năm 2016, Chính phủ đã nêu rõ quan điểm Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ DN phát triển, hội nhập. Và thực tế, Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình, phát động phong trào khởi nghiệp, hun đúc tinh thần kinh doanh lan tỏa trên phạm vi toàn quốc.
Mới nhất, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua là điểm nhấn, minh chứng cho quyết tâm phục vụ DN của một Chính phủ kiến tạo. Nội dung của dự luật đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng, sự đóng góp có tính chất quyết định của DNNVV, xác định nhóm DN này là đối tượng ưu tiên, hỗ trợ cao nhất. Chính phủ sẽ kiên trì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo tiêu chí bình đẳng, minh bạch.
Chính phủ kiến tạo, nỗ lực hết sức hỗ trợ DN nhưng bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cộng đồng DN quan tâm, chú trọng thỏa đáng xây dựng văn hóa DN, hướng tới mục đích làm giàu nhưng vẫn bảo đảm yếu tố làm lợi cho xã hội, chia sẻ cơ hội và lợi ích với cộng đồng. Tại lễ phát động cuộc vận động "Xây dựng văn hóa DN Việt Nam" vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa DN, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân. Những nguyên tắc cơ bản của văn hóa DN là liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy hay trách nhiệm với môi trường... Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những nguyên tắc này của một DN thì DN đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.