Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bông điên điển vàng trên nền tuyết trắng

Kao Sơn| 09/10/2022 05:52

(HNMCT) - Cách đây hơn hai mươi năm, Trần Hạ Vi (tên thật là Nguyễn Yến Ngọc), cô gái nhỏ được ví như bông điên điển với những cánh hoa vàng mỏng manh trên sông nước của vùng quê nghèo An Giang lần đầu tiên xa quê sang nước ngoài học tập. Ở đó, cô đến với thơ văn bằng niềm đam mê mãnh liệt. Năm 2017, Vi đã cho ra đời tác phẩm thơ đầu tiên - “Lật tung miền ký ức”, và tập thơ thứ hai “Vi” được xuất bản năm 2020.

Những ngày xa quê của cô gái trẻ Vi gắn với nỗi nhớ da diết, những xung đột nảy sinh, sự thảng thốt của mất mát đan xen sự hồi hộp phấn khích trước cái mới mẻ. Sự giao thoa giữa những nền văn hóa được tiếp xúc có lẽ góp một phần giúp cái nhìn của cô trở nên đa dạng hơn, câu thơ có nhiều nếp gấp hơn, như có thể thấy được trong tập "Vi".

Không biết Vi có bị ảnh hưởng từ lối thơ “vụt hiện", "hiện sinh” vốn từ lâu làm chao đảo giới viết trẻ châu Âu không, hay thơ Vi chỉ là khát vọng chạy trốn khỏi sự trì trệ, ước muốn đốt cháy giai đoạn mà có tới gần chục bài câu chữ trở nên cuống quýt, như cách nói của cô: “… thơ em không nhịp điệu/ rời rạc/ bản thảo dở dang/ thô sơ hoang đàng/ dọc ngang không thanh tú”. Đó là lời tự thú chân thành. Tự do thả chữ, nhiều khi không cần chú ý tới thanh âm vần điệu, Vi tự gỡ mình khỏi những ràng buộc không cần thiết. Cô chú trọng đến “điều muốn nói” hơn.

Có nhiều cách chọn và dựng tứ mới lạ trong thơ Vi. Có sự tự tin đến thành chủ quan ("Sau em"). Có nét tinh nghịch của tuổi trẻ ("Ác"). Có sự vị tha cảm thông rất thực tế, rất hiện đại trong cái nhìn và đánh giá người ("Vì anh là đàn ông"). Và có cả cái tỉnh táo đến lạnh lùng ("Chia tay"). Trần Hạ Vi đơn giản là để cảm xúc chi phối. Cảm xúc đến độ, chín rồi thì thơ bật ra. Không tự mặc định mình phải thế này thế nọ. Yêu theo cảm tính, đôi khi để bị cuốn đi văng mạng trong dòng chảy tình cảm.“Nước mắt” - một cách xây dựng tứ khá mới mẻ, “Tơ vương” là một cách sống, một cách yêu, không bận tâm quá khứ, chỉ hiện tại mới quan trọng. Còn “Vũ trụ gầy” là một cách nhìn khác nữa: Hãy cứ để cái mông lung xa xôi của những ánh sao xanh trong vũ trụ kia tỏa lặng, đừng giành chi cho riêng mình, hãy để cho cuộc đời mênh mông cùng ảo mộng.

Cùng với lòng kiêu hãnh là cái nhìn đa chiều và khách quan. Trần Hạ Vi bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật, bình tĩnh tự chọn cho mình một cách ứng xử mà cô cho là phù hợp nhất. Song, đối diện với những điều mà trái tim người thơ cảm nhận được, cô không khuyên bảo, cô chỉ thể hiện mình, phơi bày và tìm cách hiểu những trắc trở mình. Những đổ vỡ sẽ được thay thế. Còn cái thay thế đó là gì, là vui buồn theo chiều hướng nào thì lại tùy thuộc vào số phận và cách ứng xử lựa chọn của mỗi người. Chính vì vậy, Vi có nhiều bài thơ đọc cứ có cảm giác hụt hẫng, không hoàn chỉnh. Nhưng nếu để ý kỹ vẫn thấy dù cố tình tỏ ra cứng cỏi hay dù thơ có phá cách đến mấy thì Vi vẫn là đàn bà với trái tim đàn bà: “... bao cuộc tình/ bấy nhiêu tả tơi/ tan nát/... vẫn muốn tin/ một chút dịu dàng”.

Dẫu đã có hai tập thơ ngay ngắn trình làng nhưng tôi vẫn nghĩ thơ Vi chưa ổn định. Vi còn trẻ. Thơ Vi là thơ của người trẻ. Và khi người ta còn trẻ thì người ta có nhiều quyền lắm: Quyền được nghĩ, được viết, được thử sức ở nhiều phương diện. Tất cả những điều này làm cho những người đọc Vi chắc chắn có sự phân hóa. Không sao cả. Thơ như người. Thơ đứng trong một không gian đa chiều với mối quan hệ đa chiều. Chỉ mong bông điên điển với cánh vàng mỏng manh sẽ vẫn sống hết mình để đứng vững được với tuyết trắng theo cách tự khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bông điên điển vàng trên nền tuyết trắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.