Kinh tế

Bồi thường “đất đổi đất” sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn

Mai Hữu 21/06/2023 - 17:00

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 21-6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bồi thường bằng đất cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi là vấn đề sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

nguyenvancanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định).

Về thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đồng ý với các quy định về giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì được bồi thường bằng tiền hoặc xem xét bồi thường đất khác nếu người dân đồng thuận.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mỗi gia đình, cá nhân có hoàn cảnh riêng và có nhu cầu về đời sống và việc làm. “Vì vậy, nhà nước cần có nhiều chính sách để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị các chính sách có thể quy ra tiền để người dân thấy mình được hưởng lợi như người khác, bảo đảm sự công bằng. Đối với chính sách đào tạo nghề cho người chưa có việc làm thì nên hạn chế việc tìm trực tiếp mà tạo điều kiện để người dân được học nghề phù hợp với khả năng của họ.

tranvantien.jpg
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc).

Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc bồi thường bằng đất cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi là nội dung này được mở rộng so với Luật Đất đai năm 2013. “Về lý thuyết thì nội dung nguyên tắc này là rất tốt, sẽ được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Nhưng thực tế, khi thực hiện sẽ rất khó khăn và vướng mắc hơn rất nhiều lần so với bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền”, đại biểu nói và cho rằng, còn phải thống nhất với người bị thu hồi về khối lượng, số lượng nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt xã hội và để bảo đảm luật có tính khả thi về giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho biết, quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi chưa thể hiện được sự công bằng. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “có giá trị tương đương” sau cụm từ “bằng việc giao đất”, sửa lại thành “việc bồi thường về đất thực thực hiện bằng việc giao đất có giá trị tương đương có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi”. Mục đích để bảo đảm giá trị phần đất được bồi thường và giá trị phần đất là phần đất bồi thường và giá trị phần đất được bồi thường tương đương về mặt giá trị, tránh trường hợp là khi bồi thường nhưng giá trị thấp hơn phần đất trước khi thu hồi.

nguyentrucanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội).

Đóng góp ý kiến đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất đối với các dự án phát triển khu đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu dân cư nông thôn, dự án chỉnh trang đô thị, dự án chỉnh trang khu dân cư nông thôn. “Đây là mảng trọng yếu, nhà nước phải làm nhưng rất cần xã hội hóa việc giải phóng mặt bằng, thường tư nhân không làm hoặc khó làm”, đại biểu Đoàn Hà Nội nói.

Tuy nhiên, tranh luận với đại biểu Nguyễn Trúc Anh, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho rằng, việc thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ là không hợp lý. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng có thể trở thành động thái “đổ thêm dầu vào lửa” trong nỗ lực cải tạo chung cư cũ, trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, xem xét kỹ nội dung này.

duongkhacmai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông).

Còn đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất là một bài toán rất khó, nếu chỉ áp dụng phương pháp loại trừ hoặc phương pháp xác định cụ thể. Đại biểu nhấn mạnh, cần phải xác định lợi ích công cộng trong việc thu hồi đất là khi lợi ích công cộng phải vượt lên trên lợi ích cá nhân, không phải là lợi ích riêng của nhà nước và cũng không phải là lợi ích riêng của công dân hay tổ chức khác, mà là lợi ích chung của toàn xã hội.

Đại biểu đề nghị kết hợp hai phương pháp xác định lợi ích công cộng, cần xác định ai là người sử dụng đất tiếp theo, nếu sau khi thu hồi việc sử dụng đất không có yếu tố nhà nước, không phải vì mục đích công cộng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường “đất đổi đất” sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.