Kinh tế

Bước tiến của Đảng trong nhận thức về vai trò kinh tế tư nhân

Tiến sĩ Phạm Việt Dũng 10/05/2025 - 11:03

Chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

1. Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ lệ lớn GDP (chiếm trên 85%) và là trụ cột bảo đảm sự ổn định, phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế quốc gia.

Ở Việt Nam, chủ trương của Đảng là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vững chắc, phù hợp với trình độ sản xuất và điều kiện, hoàn cảnh từng giai đoạn. Có thể điểm lại những mốc quan trọng thể hiện từng bước tiến trong nhìn nhận của Đảng về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VII (tháng 6-1991), chủ trương của Đảng là tạo động lực và môi trường thuận lợi cho kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với đa dạng sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp.

Đại hội VIII (cuối tháng 6 đầu tháng 7-1996), chủ trương của Đảng là thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục xây dựng kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, phát huy năng lực của mọi thành phần kinh tế, khuyến khích làm giàu hợp pháp.

FPT là một trong những doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khẳng định được thương hiệu ở trong nước và trên thế giới. Ảnh: FPT

Đại hội IX (tháng 4-2001), Đảng ta chủ trương nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định kinh tế cá thể, tiểu chủ ở nông thôn và thành thị có vị trí quan trọng, lâu dài trong nền kinh tế.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (Nghị quyết số 14-NQ/TƯ, ngày 18-3-2002), “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, nêu rõ: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”.

Đại hội X (tháng 4-2006), chủ trương của Đảng là phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình của phát triển, không hạn chế về quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm.

Đại hội XI (tháng 1-2011), Đảng ta chỉ rõ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế.

Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) khẳng định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ, ngày 3-6-2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tái khẳng định yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội XIII (tháng 1-2021) đánh giá, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

2. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp tư nhân, những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực triển khai chương trình, kế hoạch hành động để đưa các chủ trương của Đảng vào cuộc sống; thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế, dân sự, lao động, môi trường, xã hội..., nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có đối tượng điều chỉnh và thực hiện là các chủ thể kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân được khuyến khích và tạo điều kiện huy động, sử dụng các nguồn lực để đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều địa phương có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp chế biến, dịch vụ...

Đến nay, với hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và 82% tổng số lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, kỹ năng quản trị chưa được nâng cao, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn yếu.

Trong bối cảnh mới hiện nay, đất nước đặt rất nhiều kỳ vọng vào khu vực này. Để khơi dậy, phát huy tiềm năng, sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới, ngày 4-5-2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TƯ “Về phát triển kinh tế tư nhân”. Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68, khi lần đầu tiên “kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Có thể nói, Nghị quyết số 68 là một bước ngoặt quan trọng trong tư duy lý luận đối với khu vực kinh tế tư nhân. Điểm nổi bật của Nghị quyết này trước hết là thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu như trước đây, chúng ta xác định khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thì nay, Nghị quyết đã có một bước tiến quan trọng khi khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị trong việc lấy kinh tế tư nhân làm trụ cột chủ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trước bối cảnh nền kinh tế và chính trị trong nước, quốc tế có nhiều biến động phức tạp trong thời gian qua.

Ngoài những thay đổi về tư duy, nhận thức và quan điểm, cũng như việc bảo đảm các quyền trong kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết cũng đưa ra 8 nhóm chính sách cụ thể. Các chính sách này thực sự “trúng” và “đúng”, mang tính “đột phá”, đồng thời “bao quát”, “toàn diện” các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc hiện nay.

Nghị quyết số 68 đặt ra những mục tiêu vừa cụ thể, vừa truyền cảm hứng, thể hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và xa hơn là năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp/1.000 dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10-12%/năm; đóng góp 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết 84-85% tổng số việc làm… Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 60% GDP, và có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Điều này cho thấy niềm tin mạnh mẽ mà Đảng dành cho khu vực kinh tế tư nhân.

Với nội dung, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp cụ thể, Nghị quyết số 68 chắc chắn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đánh giá cao và là động lực, nguồn cảm hứng cho khu vực này phát triển trong giai đoạn tới. Bởi bên cạnh việc tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn, đặc biệt điểm nghẽn về thể chế, Nghị quyết lần này còn đưa ra các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, khuyến khích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh - vốn là lực lượng đông đảo nhất - cũng được thiết kế cơ chế hỗ trợ riêng biệt, từ miễn thuế, cho đến cung cấp nền tảng số miễn phí và tư vấn pháp lý. Những chính sách này sẽ giúp kinh tế tư nhân, từ động lực trở thành trụ cột của đất nước, bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Như vậy, nhận thức và quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân là nhất quán và liên tục phát triển. Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Từ chỗ chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tư nhân, coi đó là nguồn gốc dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa tư bản, đến nay chúng ta coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước tiến dài trong nhận thức lý luận của Đảng ta, là kết quả tổng kết thực tiễn của 40 năm đổi mới ở nước ta, và là tiền đề quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phồn vinh, giàu mạnh và văn minh.

Nghị quyết số 68 được ban hành là sự thay đổi lớn trong nhận thức của Đảng ta về kinh tế tư nhân, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển khu vực này trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến của Đảng trong nhận thức về vai trò kinh tế tư nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.