(HNMO) - Sáng 25-8, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP)-Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong khẳng định, không có sự bất nhất về kết quả xét nghiệm cá ở miền Trung.
Ảnh minh họa từ internet |
Được biết, như Báo Hànộimới online đưa tin, ngày 22-8, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia có văn bản số 752/VKNQG-QLCL gửi Bộ Y tế báo cáo kết quả việc thực hiện xét nghiệm 9 mẫu cá do Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh gửi ra. Báo cáo cho thấy, hàm lượng các kim loại nặng như: thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt trong các mẫu nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, trong mẫu cá trạng buồn có hàm lượng cadimi là 0,079mg/kg, vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện tồn dư cyanua trong 5 mẫu cá (gồm: Cá đuối (0,8mg/kg); ghẹ 3 mắt (0,8mg/kg); cá nhồng (0,6mg/kg); cá man (0,5mg/kg) và cá mỏ neo (3,9 mg/kg). Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện hàm lượng phenol trong 3 mẫu cá (gồm: Cá đuối (14mg/kg); ghẹ ba mắt (10mg/kg) và cá man (8,3mg/kg).
Trong khi đó, chiều 24-8, Cục ATTP cũng có thông báo về kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy, mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian cụ thể là tháng 7 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỷ lệ là 25,9%); đến ngày 19-8, trước thời điểm cho Bộ TN-MT công bố nước biển an toàn, kết quả kiệm nghiệm cho thấy, chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%). Ngày 22-8, Bộ TN-MT đã chính thức công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thuỷ sản.
Lý giải về việc tại sao Cục ATTP nói có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng trong khi kết quả của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia lại cho thấy có đến 9 mẫu cá phát hiện hàm lượng cadimi, cyanua, phenol, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng, để đánh giá mức độ ATTP phải dựa vào ngưỡng cho phép. Trong 9 mẫu lấy tại cảng cá Hà Tĩnh nhưng chỉ có 1 mẫu có kim loại nặng vượt ngưỡng là cadimi. Còn các mẫu nhiễm phenol và cyanua thì không được tính. Bởi vì hiện không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng chưa có quy định của ngưỡng của những chất này. Do vậy, không thể kết luận được hải sản an toàn hay không, ảnh hưởng như thế nào vì thế giới cũng chưa có ngưỡng. Kết quả đánh giá chỉ để quan trắc liên quan đến môi trường chứ không dựa vào đó để đánh giá ATTP. Tuy nhiên, kết quả mới nhất là 1 mẫu có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng là cái đáng để chúng ta giám sát, lấy mẫu rộng hơn nữa để trả lời câu hỏi đã ăn được hải sản hay chưa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.