Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không bỏ cách gọi "học phí"

Bảo Hân| 30/05/2018 17:19

(HNMO) - Chiều 30-5, phát biểu thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định vẫn giữ cách gọi là học phí .

Chiều nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Tăng quyền tự chủ, bỏ được cơ chế "xin - mà không phải là cho"

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, thành công lớn nhất của dự thảo Luật Giáo dục đại học là đã nâng cao được tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo. Từ thực tế của Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu cho rằng, những sửa đổi của luật đã bỏ được cơ chế "xin - mà không phải cho" của các trường tự chủ về tài chính.

Bên cạnh việc tăng quyền tự chủ cho các trường thì trách nhiệm giải trình trước xã hội, đặc biệt về chất lượng đào tạo là việc quan trọng. Do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn về nội dung này cũng như về vai trò, quyền hạn của Hội đồng trường, về trách nhiệm của từng thành viên trong hội đồng.

Dự thảo Luật cũng có sự thay đổi lớn về cơ chế tài chính trong giáo dục theo hướng đầu tư đi kèm chất lượng sao cho hiệu quả. Trước đây, trường chưa tự chủ được đầu tư theo biên chế, quy mô sinh viên... nhưng dự thảo Luật đã đổi mới theo hướng "đặt hàng" kèm chất lượng, dịch vụ. Điều này giúp "triệt tiêu" tư tưởng nhà nước chỉ đầu tư cho công lập mà không đầu tư cho trường dân lập, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).


"Một điểm mới cần trao đổi kỹ là quy định về giá dịch vụ đào tạo. Việc phải quy định giá trong dự thảo Luật là đúng, vì nếu thu theo khung phí và lệ phí sẽ gây khó khăn cho các trường khi đưa ra sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao. Bản thân người học có mong muốn học các ngành chất lượng cao và sẵn sàng bỏ chi phí để có điều kiện học tập tốt nhất. Tính đúng, tính đủ chi phí là điều hết sức hợp lý, góp phần tạo sự bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học" - đại biểu Cường nêu.

Tuy nhiên, Luật cần quy định để các cơ sở giáo dục không thể tuỳ tiện tính giá mà phải quy định những gì được tính giá, những gì không. Toàn bộ những khoản thu vào và chi ra phải công khai để bản thân người học cảm thấy số tiền đã đóng là xứng đáng.

"Để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm thu giá BOT, phải khẳng định các cơ sở giáo dục đào tạo được thu học phí trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo chứ không phải dựa trên Luật Phí và lệ phí" - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Bàn về thuật ngữ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) và đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cùng kiến nghị vẫn sử dụng từ "học phí". "Từ trước đến nay, học phí vẫn là cụm từ quen thuộc. Phụ huynh đến nộp học mà nói 'giá dịch vụ' thì không phù hợp môi trường sư phạm. Do đó, theo tôi nên giữ từ 'học phí' nhưng quy định cụ thể là bao gồm những khoản gì” - đại biểu Thu Dung kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Vẫn gọi là "học phí"

Phát biểu ý kiến tại tổ 6 (Bình Định - Hải Phòng và Thái Bình), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dành nhiều thời gian giải thích liên quan đến học phí, vấn đề mà theo Bộ trưởng là nhiều người đang chưa hiểu rõ.

Theo đó, tại Điều 105 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vẫn ghi rõ là học phí và dùng học phí. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ. 

"Tôi khẳng định vẫn gọi là học phí chứ không ai bỏ học phí" - Bộ trưởng khẳng định.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong buổi thảo luận tại tổ chiều 30-5.


Tuy nhiên, đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, vì phí và kiểm định các loại dịch vụ khác quy thành giá theo Luật Giá. Thực tế, học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do nhà nước đặt hàng. Những chi phí này áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá đã được áp vào chứ không phải tính tuỳ tiện. Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành.

Như vậy, giá dịch vụ phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học.

Trong Luật Giáo dục đại học có thêm một điều là "Giá dịch vụ đào tạo" để phù hợp với tính đúng, tính đủ theo Luật Giá, còn trong giáo dục vẫn gọi là học phí. 

"Tinh thần là các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng, tính đủ theo giá dịch vụ chứ giá dịch vụ không phải là 'thương mại hoá'. Các cơ sở giáo dục đại học công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không bỏ cách gọi "học phí"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.