(HNMO) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV chiều 8-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tham gia trả lời, làm rõ thêm một số nội dung trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bảo đảm sự hoạt động thông suốt của công nghệ mạng
Về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định, đây một vấn đề toàn cầu, được tất cả các quốc gia quan tâm. Không một quốc gia nào đủ lực để đối phó với vấn đề an ninh mạng một mình, mà các quốc gia cần liên kết với nhau.
Bộ trưởng thừa nhận, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh mạng vì đây là một vấn đề phức tạp. Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, luật để bảo đảm an ninh mạng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Về tội phạm mạng, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định, đây là một loại tội phạm ẩn danh, hoạt động chủ yếu nặc danh và lợi dụng điều này để len lỏi vào tất cả các mặt đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội... Tội phạm mạng không chỉ là khủng bố, tuyên truyền, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn can thiệp tiêu cực vào bầu cử (như đã xảy ra tại một số nước), thương mại điện tử (từ hàng giả đến buôn lậu, trốn thuế...).
Thậm chí, tội phạm mạng còn chiếm quyền điều khiển từ nước ngoài như tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ đã vượt lên trên sự quản lý của ngân hàng và vượt qua khỏi lãnh thổ nhiều quốc gia…
Trước thực tế này, Bộ Công an thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đã và đang phối hợp với các ngành, các cấp để triển khai các công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng, nhất là thực hiện chính phủ điện tử; tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các địa phương và người dân hiểu và tự giác bảo vệ bí mật quốc gia, chủ quyền quốc gia từ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, Bộ Công an đang tập trung xây dựng thông tin dữ liệu quốc gia, triển khai hiệu quả những vấn đề của Luật An ninh mạng và các văn bản dưới luật, từng bước hướng dẫn, yêu cầu người dân sống và làm việc trên mạng tuân thủ đúng các quy định của Luật An ninh mạng.
Bộ Công an cũng ủng hộ sự phát triển về công nghệ mạng, coi vai trò của công nghệ mạng đối với hệ thông tin, hệ thống mạng quốc gia cũng quan trọng như hệ tuần hoàn, hệ huyết mạch của cơ thể con người. Vì vậy, cần bảo đảm sự hoạt động thông suốt của hệ thống huyết mạch này, tránh tình trạng đứt mạch hay tắc nghẽn.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Về nội dung xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã triển khai chính phủ điện tử từ năm 2000. Sau 20 năm, nước ta đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác này, nhưng nhìn nhận thẳng thắn, một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt được như mong đợi.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36 về ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế, xã hội và vừa qua tiếp tục ban hành Nghị quyết 17 về xây dựng chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2025. Chính phủ đã giao cho các cơ quan quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, tính xác thực và định danh điện tử...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm trên nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin làm phương tiện. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực để tạo thuận lợi cho người dân, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.