Sáng 24-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Điều chỉnh hành vi mới trong mua bán người
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện nay, xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.
Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét.
Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi ngày càng tinh vi và phức tạp như hiện nay.
Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia.
Bày tỏ sự nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi...
Tình trạng mua bán thai nhi xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó, đại biểu kiến nghị cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và nhấn mạnh tính cấp thiết về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo luật. Theo đó, về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, đại biểu cho biết, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.
Đại biểu nhấn mạnh, việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.
Đại biểu lo ngại hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc bổ sung quy định này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc có liên quan… Mặc dù, bổ sung quy định này là cần thiết, nhưng cũng cần chú ý đến những khó khăn khi thực thi, việc điều tra, thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội có thể gặp nhiều thách thức.
“Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường đào tạo, trang bị cho các cơ quan chức năng để thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) góp ý liên quan đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người… Đại biểu nhận thấy, thời gian qua, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, trong đó, tội mua, bán người cũng được sửa đổi theo hướng phạm vi xử lý hình sự với người phạm tội mua, bán người ngày càng thu hẹp.
Việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mua, bán người trước đây chỉ cần chứng minh có hành vi mua, bán người, nhưng sau đó thêm mục đích, thủ đoạn.
"Điều này sẽ đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng một nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Vì chứng minh hành vi phạm tội đã khó, chứng minh thủ đoạn phạm tội càng khó và chứng minh mục đích phạm tội lại càng khó hơn nữa. Vì vậy, việc đưa ra xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn”, đại biểu nêu rõ.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt, kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận có 24 ý kiến phát biểu, các ý kiến của đại biểu Quốc hội ngắn gọn đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi luật và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.