Xã hội

Cần thiết bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”

Bảo Hân 07/06/2024 - 16:29

Chiều 7-6, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ bảy, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

ltq.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Luật Phòng, chống mua bán người sau 12 năm thi hành đã đặt ra yêu cầu tiến hành sửa đổi. Việc sửa đổi nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều, tập trung vào một số nội dung cơ bản, cụ thể.

Trong đó, dự thảo bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; khái niệm “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” cùng các quy định về chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với Luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban tán thành sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ủy ban Tư pháp đồng thời tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, phù hợp với 3 nhóm chính sách lớn về hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này và là cơ sở để đổi mới căn bản về chính sách trong công tác phòng, chống mua bán người. Với tư cách là một đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người, việc mở rộng hơn hành vi mua bán người so với quy định của Bộ luật Hình sự là phù hợp. Điều này phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong phòng ngừa và đấu tranh đối với nạn mua bán người, vừa bảo đảm tiệm cận quy định tại các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, giữa quy định của dự thảo Luật với Bộ luật Hình sự vẫn còn có điểm chưa đồng bộ, thống nhất. Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có phương án bảo đảm sự đồng bộ về khái niệm “mua bán người” giữa Luật này với quy định của Bộ luật Hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.