Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Bộ đệm" ổn định kinh tế vĩ mô

Đức Anh| 19/09/2020 07:07

(HNM) - Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt ngưỡng kỷ lục mới là 92 tỷ USD (tháng 4-2020 là 84 tỷ USD) và được dự báo có thể tăng lên con số 100 tỷ USD vào cuối năm 2020. Đây được coi là "bộ đệm" quan trọng góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng...

Dự báo đến cuối năm nay, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt 100 tỷ USD. Ảnh: Đỗ Tâm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối quốc gia đạt được ở thời điểm này (92 tỷ USD) đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015. Đến cuối năm 2020, dự trữ ngoại hối có thể đạt con số 100 tỷ USD. Quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức khoảng 4 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với công tác quản lý dự trữ ngoại hối, thời gian qua, ngoài gia tăng dự trữ ngoại hối, công tác đầu tư nguồn lực này của Ngân hàng Nhà nước khá thành công, vừa bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc quản lý theo quy định, khả năng thanh toán quốc tế và mục tiêu sinh lời trong đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước. Chẳng hạn, điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ, đa dạng loại ngoại tệ đầu tư giúp Ngân hàng Nhà nước giảm thiểu những tác động bất lợi trên thị trường quốc tế và nâng cao mức sinh lời khi đầu tư vào các loại ngoại tệ mới tiềm năng. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại tháng 8-2020 thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD và lũy kế 8 tháng qua thặng dư là 10,93 tỷ USD. Đây là nguồn cung ngoại tệ dồi dào để Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ.

Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Tiến sĩ Võ Trí Thành khẳng định, kết quả này thể hiện sự đúng đắn trong điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước theo nguyên tắc giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, củng cố lòng tin vào VND, nâng cao giá trị đồng tiền… là nhân tố quan trọng góp phần gia tăng dự trữ ngoại hối.

Trên thực tế, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất 0% đối với tiền gửi tiết kiệm bằng USD đã góp phần giảm sức hấp dẫn của đồng tiền này, nâng cao vị thế của VND. Chính sách này có hiệu lực khi người dân cũng như doanh nghiệp chỉ tìm cách tích trữ tiền USD thay vì VND. Theo thống kê, lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng ở mức 4,4-7,2%/năm, mức sinh lời được đánh giá là ổn định và an toàn cho người gửi tiền. 

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, dự trữ ngoại hối chính là "bộ đệm" quan trọng giúp nền kinh tế chống đỡ lại các cú sốc từ bên ngoài, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, bởi họ ít phải lo ngại về rủi ro tỷ giá. Mức dự trữ hiện nay của Việt Nam cũng là mức độ an toàn tối thiểu chung trên toàn thế giới. “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động bởi dịch Covid-19, gối đệm càng cần phải dày dặn mới có thể giúp Việt Nam chủ động ứng phó với các cú sốc bên ngoài, ổn định được các thị trường ngoại tệ, vàng...”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu từng bước đổi mới toàn diện công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước từ khâu hoàn thiện cơ sở pháp lý đến xây dựng danh mục tài sản chiến lược, chiến thuật; xác định mức rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro phù hợp cũng như đổi mới hạch toán kế toán phù hợp chuẩn mực quốc tế, góp phần củng cố và cải thiện hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước. Bởi gia tăng dự trữ ngoại hối giúp cho Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tạo thuận lợi cho việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng... Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động theo dõi và can thiệp thị trường theo cả hai chiều mua bán vì mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, không vì mục tiêu dự trữ để tung tiền ra lưu thông hỗ trợ xuất khẩu.

Với việc dự trữ ngoại hối ngày càng tăng, cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ giá VND/USD chỉ tăng 0,5-1% so với đầu năm, dao động quanh mức 23.288-23.515 VND/USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bộ đệm" ổn định kinh tế vĩ mô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.